Nhiều thế kỷ trước, hòn đảo lớn nhất Việt Nam được “ưu ái” dành tặng tên gọi Phú Quốc với ý nghĩa: vùng đất trù phú, đến đây để sống ấm no, hạnh phúc. Lời mời gọi ấy vẫn còn nguyên sức hút, cho đến tận ngày hôm nay.
Lời mời gọi khó cưỡng của “vùng đất trù phú”
Trên tờ Travel + Leisure để mô tả về Phú Quốc – 1 trong 25 điểm đáng đến nhất thế giới, cây bút Esha Dasgupta đã không tiếc những mỹ từ để mô tả vẻ đẹp thiên nhiên của đảo ngọc và những trải nghiệm mang tính biểu tượng của hòn đảo như cáp treo 3 dây dài nhất thế giới đến Hòn Thơm, Bãi Sao, Bãi Kem, vườn Quốc gia Phú Quốc…
Thiên nhiên và nhiều trải nghiệm ngày càng thăng hạng chính là thứ “bùa mê” hấp dẫn đã “chắp cánh” cho hơn 150 chuyến bay khởi hành từ khắp các châu lục mỗi tuần đến đảo Ngọc. Nhờ đó, năm 2024 ngành du lịch địa phương đã về đích với 962.449 lượt khách quốc tế, xô đổ “kỷ lục” năm 2019.
Thời điểm này, nếu dạo quanh Thị trấn Hoàng Hôn – Sunset Town phía nam đảo, ai nấy cũng đều sẽ có chung câu hỏi: đây là Việt Nam hay nước ngoài? Từng cửa tiệm, con phố, điểm vui chơi đều có thể nghe thấy không dưới 3 thứ tiếng. Nhiều du khách đã chọn Phú Quốc là điểm nghỉ dưỡng dài ngày cho cả gia đình vì cảnh quan như thiên đường nhiệt đới, chính sách miễn thị thực, thời gian tạm trú đến 30 ngày cùng những chuyến bay thẳng có chi phí hợp lý hơn Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia).
Hay đó cũng có thể là một đại diện của “làn sóng” công dân toàn cầu nhập cư đến thành phố đảo, như anh Arkadius Rieger, 38 tuổi, một thương nhân Ba Lan đã bị Phú Quốc “đốn gục” trong hành trình vòng quanh thế giới.
“Thành thật mà nói, Phú Quốc chưa bao giờ là một phần của kế hoạch. Tôi đang trong một chuyến đi vòng quanh thế giới, bạn bè đã dẫn tôi đến hòn đảo thiên đường này. Những bãi biển, rừng rậm, sự rung cảm của hòn đảo và sự tự do… thu hút tôi. Vì vậy, cuối cùng tôi đã bỏ chuyến bay của mình và quyết định ở lại. Bây giờ, Phú Quốc là nhà. Tôi đã xây dựng một cuộc sống ở đây, với những người bạn tuyệt vời và một công việc cho phép tôi ở lại cuộc sống trên đảo. Bơi vào sáng sớm hoặc hoàng hôn, bia lạnh và ánh đèn lấp lánh của thuyền mực, đó thực sự là một phép màu”, Arkadius Rieger chia sẻ.
Hay Lucas – người đã rời xứ Bạch Dương đến nơi mà tạp chí Condé Nast Traveler đã phải dành đến 3 lần vinh danh là hòn đảo tuyệt vời nhất thế giới này để “biến ước mơ được sống giữa biển và núi thành hiện thực. “Khi tôi tìm kiếm nơi dạy học ở Việt Nam cách đây tám năm, Phú Quốc là lựa chọn số 1. Ban đầu tôi chỉ định ở đây 3 tháng. Nhưng 9 tháng rồi 8 năm trôi qua, tôi vẫn ở đây. Chỉ với khoảng 1.200 USD/tháng/2 người, bạn có thể sống vô cùng thoải mái. Có lẽ tôi sẽ không chuyển đi đâu khác trong tương lai gần,” Lucas chia sẻ với ánh mắt chứa đầy sự si mê với vùng đất này.
Arkadius hay Lucas chỉ là hai trong số hàng chục nghìn người gần hai thập kỷ qua đến Phú Quốc an cư, góp phần đưa dân số trên đảo tăng gần gấp đôi lên hơn 150.000 người. Có thể thấy, bước tiến này không chỉ đến từ lợi thế về thiên nhiên của một “thiên đường” du lịch hàng đầu mà còn có sự đóng góp không nhỏ từ loạt chính sách thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, an sinh để đưa đảo Ngọc trở thành “thiên đường sống” của khu vực.
Định hình chân dung “thiên đường sống”
Hàng đêm trên bầu trời Thị trấn Hoàng Hôn của đảo Ngọc, có đến hai lần “vũ hội pháo hoa” thắp sáng một vùng trời trong tiếng ồ òa, tiếng vỗ tay giòn giã không ngớt của hàng nghìn du khách. Xét về độ “chịu chơi” cho sản phẩm du lịch, Phú Quốc xứng đáng nhận được sự tán dương.
Nhưng nếu nhìn thêm vào “sự nhảy múa” của những chỉ số kinh tế, an sinh, đầu tư thời gian qua, thành phố đảo cũng nên nhận được những tràng pháo tay cho nỗ lực chuyển mình thành điểm đến du lịch, an cư của khu vực.
Từ một hòn đảo 3 không: không điện, không giao thông, không nước ngọt, Phú Quốc – theo Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại Hội nghị tổng kết Quyết định 178 đã “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Mức thu ngân sách địa phương tăng đến hơn 200 lần trong 20 năm. Chỉ riêng ngành du lịch tính đến nay có tới 274 dự án, với tổng vốn đầu tư lên đến 388.410 tỷ đồng.
Nhờ những bước tiến đó, đời sống vật chất, cơ hội việc làm tại thành phố cũng ngày một cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 xấp xỉ 5000 USD/năm, cao hơn 40% trung bình cả nước. Trong số 45.000 lao động trong ngành du lịch của thành phố, có không ít lao động, chuyên gia nước ngoài. Chỉ tính riêng tổ hợp giải trí tỷ đô của Sun Group, số lượng lao động ngoại quốc đã lên đến vài trăm.
Song để định hướng đến 2040 trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, những siêu tổ hợp vui chơi giải trí có tổng mức đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng thôi là chưa đủ. Chính quyền địa phương đang áp dụng nhiều động thái quyết liệt, từ chủ trương xin phê duyệt ngân sách công đến thu hút đầu tư của những “đại bàng lớn” vào phát triển cơ sở hạ tầng để thay đổi chất lượng đời sống đảo ngọc.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển giáo dục và y tế. Bên cạnh hạ tầng hiện có, ngày 16/11 vừa qua, bệnh viện Mặt trời Phú Quốc – Sun Serenia Hospital cũng đã được khởi động, hướng đến cung cấp dịch vụ y tế cao cấp với hệ thống máy móc tân tiến, cùng đội ngũ chuyên gia tư vấn và y bác sĩ đầu ngành trong nước và quốc tế.
Tiếp đến, các công trình xử lý rác, nước thải và nước sạch cũng sẽ được triển khai. Có thể kể đến như nhà máy xử lý rác thải 18,5 ha tại xã Hàm Ninh, đập tràn trên hồ treo Cửa Cạn với khoảng 3 triệu m3 nước và kết hợp hồ Dương Đông 4 triệu m3 nước…
Phú Quốc đang không chỉ chứng minh được bản sắc riêng, thương hiệu riêng trên bản đồ du lịch khu vực mà còn chạm đến gần hơn hình mẫu “thiên đường sống”, như chia sẻ của Ông Trần Minh Khoa – Chủ tịch UBND TP: “Phú Quốc sẽ thu hút du khách đến theo chu kỳ hàng tuần, xa hơn nữa sẽ trở thành nơi an cư lạc nghiệp của các chuyên gia nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc ở những quốc gia lân cận với Việt Nam.”
PV
Nguồn: https://www.congluan.vn/phu-quoc–hub-an-cu-ly-tuong-cua-cong-dan-toan-cau-post324799.html