Một chiều tháng 11 năm nay, ông A Diệu 75 tuổi mang rổ đậu ra trước hiên nhà ở TP Đài Trung. Đôi tay lấm tấm đồi mồi thoăn thoắt cắt đậu, xong việc, ông vào nhà, rửa hai bồn chén đĩa. Tất cả công việc này là phụ cho quán ăn của chị Nguyễn Thị Nhung (40 tuổi), con dâu người Việt Nam của ông.
Lấy chồng trong vòng 24 giờ
Trong quán ăn có diện tích 60 m2, anh A Thìn – chồng chị Nhung – đang kê lại bàn ghế. Phía trong bếp, mẹ chồng chị loay hoay mang thịt, cá, rau trong tủ đông ra sơ chế.
7 giờ sáng hằng ngày, quán chị Nhung mở cửa, khách ngồi kín bàn. Giờ ăn trưa, người mua phải xếp hàng, khách có cả người Việt lẫn người Đài Loan.
Chị Nhung quán xuyến trước sau, miệng chào khách, tay xới cơm, xào mì… Nhờ quán ăn này, chị trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình chồng, đồng thời cũng có tiền gửi về xây nhà, lo cho ba mẹ tại quê nhà Cần Thơ.
Chị Nguyễn Thị Nhung và bố chồng người Đài Loan
Hơn 16 năm trước, chị Nhung là một trong hàng chục ngàn cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan. Cũng như bao cô gái khác, chị gật đầu vì chữ hiếu. Cuộc hôn nhân diễn ra vỏn vẹn trong vòng 24 giờ, nếu không đồng ý sớm thì người môi giới sẽ bỏ qua.
Chị Nhung nhớ lại: “Lúc mới sang đây, đêm nào nước mắt tôi cũng rơi lã chã, nhớ nhà và người thân. Lần nào gọi cho ba má, sau vài câu hỏi han là tôi cắn chặt môi để đầu dây bên kia không nghe thấy tiếng khóc. Tôi may mắn gặp được nhà chồng biết cảm thông. Những bữa cơm gia đình luôn kéo dài vài giờ, họ muốn tôi vừa ăn vừa trò chuyện với cả nhà để thêm gắn kết. Về phòng, ông xã bật nhạc Hoa, giải thích từng câu, từng chữ để tôi hiểu thêm văn hóa của họ”.
Chị Nhung dần cởi bỏ nỗi cô đơn nơi xứ người. Chị học tiếng và ra ngoài nhiều hơn, nhận đồ thủ công về nhà làm, nhờ đó có chút thu nhập. Rồi những đứa con mang hai dòng máu ra đời trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Khi con cứng cáp, chị Nhung quyết định mở quán ăn.
Bằng sự vun vén khéo léo, quán của chị Nhung ngày càng đông khách. Chồng chị thấy thế bèn nghỉ ở nhà phụ vợ. Gia đình chồng cũng mỗi người một tay hỗ trợ. Bố chồng đóng lại kệ bếp; mẹ chồng đi tìm nguồn mua rau củ, thịt cá, thiết kế tủ lạnh “khủng” để bảo quản thức ăn.
“Tôi nghĩ phụ nữ làm nhiều cũng được, làm ít cũng được nhưng nhất định phải làm ra tiền để có tiếng nói. Đối với tôi, lấy chồng không phải là canh bạc, mà là phải biết sống để vươn lên, không ngừng cố gắng, làm chủ đời mình” – chị chiêm nghiệm.
Giữa quán ăn, chị Nhung treo bức ảnh chụp cùng gia đình chồng, đánh dấu cột mốc được bằng khen “mẹ chồng – con dâu gương mẫu” của chính quyền sở tại.
Chị vẫn giữ thói quen trò chuyện với con bằng tiếng Việt và hay dắt con về quê. Được chạy chân trần trên cỏ, ngửi mùi lúa non, đôi lúc cô con gái út của chị lại áp đầu vào ngực mẹ, thì thầm: “Mẹ ơi, Việt Nam sao mà thơm đến vậy?”.
Bốn tháng trước, có người quen về Việt Nam, cô bé thật thà nhờ vả: “Dì gói mùi thơm Việt Nam mang qua cho con nhé”. Câu nói ấy khiến chị Nhung ứa nước mắt. Mùi thơm đó chính là mùi tinh khiết của đất trời len lỏi vào ký ức của chị!
Chị Như Sương trong căn bếp của mình
“Bông hồng ngược” gan góc
Dầu trên chảo đã nóng, chị Như Sương (46 tuổi) cho tỏi vào phi vàng. Khi những miếng cá basa săn lại, chị trở từng miếng, thêm nước mắm, đường, tiêu…
Niêu cơm nóng hổi đặt cạnh chảo cá thơm lừng chính là thứ giữ chân thực khách Việt ở quán của chị Sương tại TP Đào Viên. Đa phần khách hàng là người lao động, đến để tìm lại hương vị nồng nàn quê nhà qua chảo cá kho, mẹt bánh xèo, tô bánh canh, đĩa rau muống, nồi lẩu mắm…
Giờ cao điểm, chị Sương thường xuyên phải treo biển “đóng cửa” để ngưng nhận khách. Người phụ nữ quê Đồng Tháp này một mình giữa gian bếp đổ bánh khọt, chiên sườn, cắt dưa leo, nấu nước dùng, trụng hủ tiếu… “Khách đến đây ai cũng hỏi sao tôi không mướn thêm người, tôi chỉ biết cười trừ. Chính tay mình làm mới yên tâm” – chị giải thích.
Chị Sương đặt chân sang Đài Loan năm 23 tuổi với một cuộc hôn nhân không tình yêu. Lúc mang thai, thèm canh chua quay quắt, chị vắt chanh vào nước dùng. Mẹ chồng đi ngang thở dài: “Mùa lạnh, chanh đắt lắm biết không?”. Lúc đó, chị chỉ biết nuốt ngược nước mắt vào trong.
Con chưa lớn, chị Sương đã phải đi làm quần quật ngày đêm để gánh vác kinh tế gia đình. Chồng chị không chịu làm việc nên những cuộc cãi vã cứ triền miên. Chị đành gửi con về Việt Nam cho ông bà ngoại.
Ngày quyết định viết đơn ly hôn, chị Sương xăm trên tay một bông hồng ngược. “Chồng tôi kiếm cớ vòi tiền, cãi vã. Tôi muốn giải thoát cho bản thân. Bông hồng là biểu tượng của sự gai góc và mạnh mẽ. Nó khiến tôi nhớ về cột mốc khủng hoảng của đời mình, nhắc tôi phải dũng cảm mà bước tiếp” – chị bày tỏ.
Chị Sương đưa con qua lại Đài Loan. Những ngày mới sang, hai đứa nhỏ cứ đòi mẹ đổ bánh xèo, bánh khọt cho ăn. Đi làm ca đêm về, chị lại pha bột, tráng bánh. Lâu dần thành quen, chị quyết định mở quán bán thức ăn Việt Nam. Thực đơn quán có 65 món, đủ hương vị từ Bắc đến Nam. Chủ quán gốc miền Tây này bộc bạch chị chịu cực “đã quen” nên chuyện thức dậy từ 4 giờ sáng, lui cui nấu nướng, dọn dẹp đến tận khuya cũng “bình thường thôi”.
Quán ăn nhỏ chỉ quanh quẩn 40 m2, xếp đủ 6 cái bàn nhưng đã giúp chị Sương nuôi hai con đến đại học. Ngày bước vào giảng đường, con chị nói: “Con mượn tiền chính quyền để học, mẹ chạy bàn đã đủ cực khổ rồi”.
Đôi lần, chị dúi tiền vào tay con nhưng chúng nhất quyết không lấy. Chị lại thấy mắt mình cay cay, nhớ lại ngày con còn nhỏ, đi học mẫu giáo bị bạn bè trêu chọc mà vẫn dõng dạc nói: “Mẹ tôi là người Việt Nam!”.
Tự quyết tương lai
Cù lao Tân Lộc ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ vốn được gọi là “Đảo Đài Loan” vì nơi đây có hàng ngàn phụ nữ lấy chồng xa xứ.
“Đi vào đường ven rạch, hễ thấy nhà ai xây tường rào, 2 tầng lầu trở lên là có con lấy chồng Đài Loan” – ông Trần Văn Tú, tài công chạy phà Tân Lộc – Thốt Nốt, cho biết. Theo ông Tú, chuyện phụ nữ ở đây lấy chồng Đài Loan rầm rộ vào những năm 2003-2007. Có lúc, một chuyến phà chở 2-3 chú rể Đài Loan qua nhà gái xem mắt. Phần lớn gia đình có con gái đi lấy chồng xứ người đều nghèo khó.
Nhưng hai năm qua, không còn thấy cảnh ồ ạt lấy chồng xa xứ nữa vì lớp trẻ đã hiểu chuyện và tự quyết tương lai cho riêng mình. Theo UBND phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, đến năm 2021, phường chỉ còn 8 hộ nghèo, chiếm 0,1%.