Năm 2012, khi đã 53 tuổi, Kang Xingya lần đầu nếm thử bia thủ công và thấy thích thú ngay sau khi nhấp ngụm đầu tiên.
Từ đó, bà đã gia nhập ngành công nghiệp bia thủ công vốn do nam giới thống trị ở Trung Quốc.
Trong thập kỷ tiếp theo, bà Kang đã xây dựng Monkey King, thương hiệu bia thủ công của riêng mình, thành một doanh nghiệp kinh doanh phát đạt với một nhà máy bia, hai cửa hàng và hơn chục nhà sản xuất bia độc đáo.
Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, bà Kang đã giới thiệu “She,” một loại bia Saison (bia nhạt có nhiều ga, vị trái cây, cay và thường được đóng chai) pha với trà ô long, được tạo ra với sự hợp tác của một nhà sản xuất bia khác, Zhou Taiyang.
“Mục tiêu là phá vỡ định kiến và khuyến khích nhiều phụ nữ yêu thích bia thủ công hơn,” Kang Xingya, người phụ nữ 64 tuổi sống ở Quý Dương, phía Tây Nam tỉnh Quý Châu, cho biết.
Với việc ra mắt này, Kang hy vọng “She” sẽ truyền cảm hứng để mọi người đánh giá cao hơn về bia thủ công và khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia ngành này.
Thị trường bia thủ công ở Trung Quốc
Mặc dù bia thủ công chỉ mới ra mắt ở Trung Quốc vào năm 2008, với các thương hiệu như Master Gao và Boxing Cat, nhưng ngành công nghiệp này đã nhanh chóng trở nên phổ biến.
Kể từ năm 2014, nhiều thương hiệu bia thủ công đã xuất hiện ở các thành phố lớn hơn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu.
Theo công ty nghiên cứu CICC có trụ sở tại Bắc Kinh, thị trường bia thủ công dự kiến sẽ tăng từ 30,1 tỷ nhân dân tệ (4,2 tỷ USD) vào năm 2018 lên 134,2 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025, tăng thị phần bia từ 5% lên 17,2%.
Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng của giới trẻ và phụ nữ Trung Quốc.
Trong khi các thương hiệu bia thủ công nổi tiếng như Taste Room tiết lộ rằng phụ nữ hiện chiếm một nửa số khách hàng của họ, những phụ nữ đam mê bia thủ công cũng đang được công nhận, với một số thậm chí còn giành được giải thưởng tại các cuộc thi sản xuất bia.
Theo bà Kang, việc gia tăng sự tham gia của phụ nữ vào ngành không chỉ dừng lại ở tiêu dùng, mà còn có nhiều phụ nữ đảm nhận các vai trò trong hoạt động sản xuất bia, quản lý và kinh doanh quán bar.
Năm ngoái, bà Kang cũng thành lập Women Society, một tổ chức nhằm hỗ trợ ngày càng nhiều phụ nữ bước vào lĩnh vực bia thủ công của Trung Quốc. Đến nay, Women Society đã phân phối bia thủ công “She” tới hơn 80 quán bar tại hơn 20 tỉnh thành trên cả nước. Với hơn 80 thành viên, tổ chức này có kế hoạch hợp tác với nhiều nhà sản xuất bia nữ hơn trong các sáng kiến tương tự.
Thay đổi công thức
Với “She,” bà Kang hy vọng sẽ phá bỏ định kiến trong ngành rằng phụ nữ thích bia có hương vị trái cây. “She” loại bỏ hoàn toàn các yếu tố trái cây, mang đến một hình ảnh thay thế – một loại bia Saison được tăng cường hương vị đậm đà của trà ô long.
Bà Kang cho biết: “Nồng độ cồn cao nhưng không quá đắng, ‘She’ mang lại cảm giác dễ chịu trong vòm miệng.”
Theo Kang, việc chọn Saison – một loại bia nhạt – cho “She” phản ánh mối liên hệ lịch sử với các nhà sản xuất bia nữ ở Bỉ, những người đã sử dụng ngũ cốc dư thừa để nấu bia trong mùa trồng trọt cao điểm vào mùa Hè.
Mặc dù việc tạo ra loại bia mới đầy thử thách nhưng bà Kang vẫn yêu thích từng phút trong quá trình sản xuất. Tại nhà máy bia của bà ở Quý Dương, một ngày chỉ kết thúc lúc 9 giờ tối, đôi khi còn muộn hơn nhiều.
Bà đảm nhận mọi việc từ nghiền mạch nha đến làm việc trên bệ cao 3 mét và tỉ mỉ thêm men vào thiết bị lên men.
Bà Kang nói: “Nấu bia cũng giống như sinh con. Tôi coi bia như đứa con cưng của mình và khi nó lên men, tôi cảm thấy như cuộc sống đang dần phát triển. Nó rất thú vị.”
Bà Kang cũng tin rằng việc khuyến khích nhiều phụ nữ thưởng thức bia thủ công là một quá trình cần có thời gian.
Bà thường giới thiệu cho phụ nữ những loại bia thủ công phù hợp với sở thích của họ, chẳng hạn như bia trái cây, bia lúa mỳ, bia pilsners và hương vị hạt tiêu để làm phong phú thêm khẩu vị của họ.
“Giống như một số người không thể ăn ớt cay ngay lập tức, nhưng dần dần họ có thể cảm nhận được hương vị,” bà nói./.