Trước đây phụ nữ người dân tộc Kháng ở xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên có nghề đan chài lưới đánh cá khá phổ biến. Nhưng đến nay, nghề này đang có nguy cơ biến mất khỏi đời sống của cộng đồng.
Bà Quàng Thị Pâng ở xã Mường Mươn là một người giỏi đan chài lưới đánh cá, trước kia có thu nhập ổn từ nghề. Nhưng hiện nay, lưới do bà Pâng làm ra rất khó bán, có khi cả năm chỉ bán được vài cái. Việc đan lưới đối với bà giờ chỉ như một thói quen, cho đỡ nhớ nghề mà thôi.
Bà Pâng chia sẻ: “Ngày xưa thì làm ra đến đâu bán hết đến đấy. Người ta mua chài, mua lưới đi đánh cá ở sông, ở suối và ở ao cá của gia đình. Nhưng bây giờ ít người mua quá, làm ra chỉ để đó, lâu lâu mới có một người đến mua”.
Việc không bán được sản phẩm chài lưới khiến cho nghề này mai một dần trong cộng đồng, chủ yếu chỉ những người lớn tuổi, không còn sức đi làm ruộng nương còn theo nghề. “Ngày nay sông suối không nhiều cá, về mùa khô còn thiếu nước thì lấy đâu ra cá. Không có cá, người dân không mua chài lưới nữa. Chưa kể những người đi đánh cá dùng những phương tiện hiện đại hơn là chài lưới, nên sản phẩm làm ra càng vắng người mua”, chị Lò Thị Duyên, một người dân ở xã Mường Mươn, cho biết.
Lưới đánh cá sản xuất ra không tiêu thụ được, khiến cho nghề đan chài lưới của chị em người Kháng, xã Mường Mươn, Mường Chà, Điện Biên có nguy cơ mai một
Trước đây, chài lưới của chị em người Kháng sản xuất được người tiêu dùng ưa thích vì độ tinh xảo, chắc chắn. Sản phẩm của họ không chỉ được tiêu thụ ở quanh vùng mà còn được bán đi các tỉnh xa như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… Từ đó, chị em có thêm việc làm và thu nhập.
Nghề thủ công truyền thống mai một và mất đi, ảnh hưởng tới thu nhập của chị em phụ nữ người Kháng, gây ra những khó khăn cho đời sống, đặc biệt là với những người phụ nữ lớn tuổi.
Bà Đoàn Lan Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Chà, cho biết: “Phụ nữ người Kháng ở Mường Chà từ xưa vốn giỏi nghề đan lát, trong đó có nghề đan chài lưới. Thời gian qua nghề này gặp khó khăn vì không tiêu thụ được sản phẩm. Ngoài lý do mọi người ít sử dụng chài lưới để đánh bắt cá tôm, một nguyên nhân nữa là người dân chưa quen với việc quảng bá sản phẩm ra các thị trường bên ngoài một cách rộng rãi”.
Theo bà Hương, Hội LHPN huyện cũng đã tích cực tuyên truyền vận động chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đặc biệt là việc áp dụng các phương pháp quảng bá sản phẩm hàng hóa nông sản, hàng thủ công truyền thống trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội để có thể tiếp cận với thị trường tiêu thụ trên phạm vi rộng. “Mục tiêu của chúng tôi là các ngành nghề truyền thống, trong đó có nghề đan chài lưới của chị em người Kháng, sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển bền vững, góp phần giải quyết những khó khăn trong cuộc sống”, bà Hương cho hay.