Lụa tơ tằm vốn là nghề truyền thống của người Lự ở Lai Châu, thế nhưng hiện nay nhiều chị em phải gian nan giữ nghề bởi sản phẩm lụa giá rẻ đang tràn ngập thị trường.
Người dân tộc Lự ở xã Bản Hon, xã Bình Lư và xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, vốn nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa từ xưa, sản phẩm lụa của người Lự khá tinh xảo, được thị trường rất ưa chuộng.
Những năm trước, mặt hàng lụa tơ tằm của người Lự ở huyện Tam Đường sản xuất ra đến đâu là có khách tìm đến tận nơi để mua. Thời điểm đó, nghề làm lụa tơ tằm khi ấy khá phát triển, hầu như nhà nào cũng trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa.
Thế nhưng từ khoảng hơn chục năm trở lại đây, ngành sản xuất lụa tơ tằm truyền thống của phụ nữ người dân tộc Lự ở huyện Tam Đường gặp nhiều khó khăn, bởi trên thị trường có quá nhiều các sản phẩm lụa giá rẻ. Điều này khiến nhiều gia đình phải “gác khung cửi”, bỏ nghề truyền thống một cách đầy nuối tiếc.
Chị Lò Thì Khuôn, ở xã Bình Lư, chia sẻ: “Lụa chúng tôi làm ra tuy chất liệu tốt hơn lụa bán trên thị trường, nhưng giá lại cao hơn nên khó cạnh tranh. Càng làm càng lỗ đã khiến nhiều chị em phải bỏ nghề, giờ muốn may sản phẩm thì đi mua lụa ở ngoài sẽ rẻ hơn tự làm”.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều người dân tộc Lự vẫn chọn cách giữ nghề dệt. Theo bà Lò Thị Hái, ở xã Bản Hon: “Bây giờ hàng không bán được, gia đình tôi không còn làm nhiều như trước kia nữa. Nhưng việc trồng dâu nuôi tằm để lấy tơ dệt lụa thì tôi vẫn làm. Vì mình muốn giữ nghề, không bán được hàng thì sản xuất để dùng trong gia đình. Thực tế chỉ có một số người lớn tuổi làm thôi, người trẻ không mặn mà”.
Cho đến nay, các cấp chính quyền, hội đoàn thể ở địa phương đang tích cực tìm hướng đi để duy trì phát triển nghề dệt lụa tơ tằm trong cộng đồng người Lự ở huyện Tam Đường, với mong muốn gìn giữ và phát huy được nghề truyền thống.
Bà Lò Thi Đi, Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Hon, cho biết: “Đứng trước những nguy cơ mai một nghề dệt tơ tằm truyền thống, các cấp lãnh đạo địa phương và Hội LHPN huyện, xã cũng đề ra những kế hoạch phát huy gìn giữ nghề truyền thống. Chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho chị em để tìm hướng phát triển sản xuất các sản phẩm lưu niệm từ lụa như túi, khăn, áo, váy… để bán cho khách du lịch. Đồng thời cũng tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm ra thị trường, và các đầu mối tiêu thụ hàng lưu niệm ở các khu du lịch lớn như Sa Pa, Mộc Châu. Bằng những cách này, hy vọng có thể phát triển nghề lụa tơ tằm và cạnh tranh được với các sản phẩm giá rẻ trên thị trường đang tràn lan như hiện nay”.
Là chủ cơ sở hàng lưu niệm chất lượng cao ở Hà Nội, bà Nguyễn Thúy Hà, chia sẻ: “Với các sản phẩm lụa của người Lự ở Lai Châu thì điều quan trọng là phải tìm thị trường đúng hướng, bởi đó là những sản phẩm thủ công. Có thể mẫu mã không đẹp bằng mặt hàng sản xuất trên dây chuyền công nghệ nhưng hàng thủ công nó có giá trị và ý nghĩa riêng. Do đó nên hướng đến những khách hàng có yêu cầu cao, trân trọng giá trị sản xuất thủ công. Theo tôi, để tìm được đầu ra cho sản phẩm cần phải làm truyền thông tốt hơn, tiếp cận với các hệ thống cửa hàng tiêu thụ hàng lưu niệm chất lượng cao ”.