Thú thực, lúc còn thanh niên trai tráng chưa lập gia đình, mỗi năm tới dịp này tôi thường để ý chọn cho người con gái mình yêu một món quà, một bó hoa hoặc một chuyến đi chơi thật ý nghĩa.
Nhưng từ khi lập gia đình tới nay, riết rồi “đang yên đang lành tự nhiên đùng cái tới 8-3” nên tôi gần như thấy chẳng còn mặn mà, nếu không nói nặng nề hơn là chán ngán với quá nhiều ngày để tôn vinh nhau.
Rồi không hiểu lý do nào mà gần đây lại có phong trào ngày của nam giới, ngày của đàn ông, rồi ngày của cha. Mà nào đâu có rầm rộ hay thật lòng gì, chúng tôi cảm thấy phần đông phụ nữ hay đưa lên Facebook nhắc về ngày đàn ông nhưng nhạt nhẽo và có cảm giác như là vui đùa, cợt nhả nhau hơn là sự quan tâm chân thành.
Trong khi đó hãy thử kiểm đếm xem một năm phụ nữ có biết bao nhiêu ngày? Thời gian trước và sau Tết là quãng dày đặc các sự kiện dành riêng cho phụ nữ.
Nào là ngày 20-10, rồi tới 8-3. Có những ngày gốc gác ra đời vốn dành cho cả nam lẫn nữ, nhưng khi áp dụng vào Việt Nam ta thì lại được mặc định là của phụ nữ, như ngày lễ Tình nhân 14-2.
Cho nên sống trong cảnh dày đặc các lễ lạt để tôn vinh nhau, là đàn ông chúng tôi thấy mệt mỏi. Không riêng tôi mà nhiều bạn bè cũng thường tâm sự với nhau như thế.
Đàn ông chúng tôi thường nói vui với nhau rằng cứ ở Việt Nam mình là sinh ra đủ thứ hình thức lễ lạt nhất. Sinh ra một kiếp đàn ông mà nam nhi chúng tôi không phải ai cũng được nhớ tới sinh nhật.
Thú thật đàn ông chúng tôi chỉ mê say và nhiệt tình lúc còn trai trẻ, khi đang có động lực để săn tìm chinh phục người con gái mình theo đuổi.
Còn khi đã lập gia đình rồi thì chúng tôi lại có suy nghĩ khác. Tình yêu với người phụ nữ của mình vẫn vẹn nguyên, nhưng hành vi ứng xử và thái độ, cách tiếp cận đã thay đổi “cho phù hợp với hoàn cảnh”. Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến sự thực tế, theo đuổi mục tiêu làm sao mình là bờ vai vững chãi chắc chắn cho cả gia đình, trong đó đặc biệt là người vợ.
Vợ tôi là giáo viên, sự thay đổi của tôi từ một người say mê nóng bỏng trong tình yêu biến thành một anh chồng khó tính, đơn sơ và ít hình thức cũng làm cô ấy bất ngờ.
Giai đoạn đầu vợ tôi hay so sánh, rồi nói bóng gió rằng có anh bạn của cô ấy quan tâm vợ thế này thế kia, rồi ngày lễ Tết nào cũng nắm tay nhau đi chơi, tặng hoa, mua xe ô tô riêng, chụp ảnh đẹp cho vợ.
Những lúc ấy, tôi bảo với vợ tôi rằng anh không dè bỉu hay phản đối những hành vi như thế, nhưng anh không làm vậy cũng không có nghĩa rằng không còn thương yêu vợ. Vợ tôi lúc đầu giận dỗi, bảo rằng tôi cắc cớ, lý sự trí trá để trốn nghĩa vụ nhưng lâu dần cũng thành quen.
Tới nay chúng tôi vẫn sống hạnh phúc với nhau, gia đình yên ấm, vợ tôi cũng ít nhắc khéo chồng hay bận tâm về không khí ngày 20-10, 8-3, 14-2 ngoài xã hội.
Tôi tìm hiểu và thấy rằng nhân loại sinh ra những ngày lịch sử để nhắc nhớ và tôn vinh nhau. Nhưng có lẽ không đâu “học đòi” và du nhập nhanh bằng ở xứ mình. Bất cứ ngày nào ở phương Tây cũng bỗng là cái cớ để người Việt áp dụng rồi ứng xử hình thức với nhau.
Ủa, đâu phải cứ một năm chỉ ngày 8-3 mới yêu thương tôn trọng vợ. Vợ tôi cả năm hay cả mấy chục năm từ khi biết nhau ngày nào tôi cũng rửa bát, đi chợ, tắm rửa cho con, làm việc nhà để cô ấy tập trung công việc nghiên cứu.
Còn tôi, mỗi khi vợ bảo tổ chức ngày đàn ông, hay sinh nhật gì đó, tôi cũng bảo cần gì hình thức. Mình cứ ứng xử với nhau như cha mẹ ông bà tổ tiên mình ngày xưa, yêu thương và tôn trọng nhau, lo cho con cái trưởng thành thì đó là sự tôn vinh nhau tuyệt vời nhất rồi.
Tôi không phản đối quyền được tôn vinh, yêu thương nhau hoặc thể hiện quan tâm nhau việc cụ thể bằng một mốc thời gian nào đó. Nhưng đừng lạm dụng để rồi tạo gánh nặng chung cho cả xã hội. Riết như thế rồi thành hình thức.
Bởi không phải ai cũng có cơ hội được tặng hoa, quà; không phải ai cũng được nói lời yêu thương. Phụ nữ góa chồng, người lao động nghèo khổ, người đơn thân… sẽ chạnh lòng khi thấy những người khác cùng nữ giới như mình được yêu thương. Ý nhị chỗ đó.
Những chia sẻ của bạn đọc Dũng Trang về câu chuyện tặng quà cho phái nữ không hẳn là nỗi niềm “cá biệt”. Ở “phe kia”, nhiều phụ nữ vẫn cho rằng không cần quà cáp, nhưng có quà sẽ vui hơn. Hẳn là chỉ khi có thành ý thì người ta mới tặng quà, dành thời gian làm cho nửa kia của mình hay bạn bè/đồng nghiệp là nữ giới…
Mời bạn đọc cùng trao đổi, chia sẻ về chủ đề: “Có phải phụ nữ cần được tặng quà và có quà mới vui?“. Ý kiến xin gửi về [email protected] hoặc ở phần bình luận dưới bài. Cảm ơn bạn đọc.