Tham dự lễ mít tinh có đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương.
Phía TP Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến môi trường sống. Hiểu sâu sắc giá trị của tài nguyên thiên nhiên và mối quan hệ biện chứng giữa môi trường với phát triển bền vững, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng nhiều phong trào bảo vệ môi trường và được nhân dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi như: “Tết trồng cây”, “Vệ sinh yêu nước”… Đồng thời, Bác cũng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên đất khi ví “tấc đất tấc vàng”.
Theo báo cáo triển vọng đất toàn cầu năm 2022, do Công ước có Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa công bố, có tới 40% diện tích đất trên hành tinh đã bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa nhân loại, nhất là những hộ gia đình sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000 và nếu không khẩn cấp hành động, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Tại Việt Nam, xâm nhập mặn, hạn hán ngày càng trở nên cấp bách, gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ngọt cung cấp cho người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tưới tiêu và đến hàng chục nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, hạn hán vẫn đang xảy ra khốc liệt ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang đã phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán.
Đứng trước những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường và cũng là năm kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 có chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên; tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sâu rộng để vận động hội viên, phụ nữ chủ động, tích cực tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả, đặc biệt thông qua cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào “Chống rác thải nhựa”, phong trào trồng cây xanh… Nhiều mô hình, cách làm hay, linh hoạt, sáng tạo tại các địa phương được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng.
Nhân Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương kêu gọi các cán bộ, hội viên, phụ nữ và mỗi người dân trong cộng đồng cam kết học tập theo tấm gương Bác Hồ kính yêu, tích cực thực hành bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực.
Cụ thể, thực hiện phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đúng cách. Tích cực thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải từ nhựa; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước. Tích cực trồng cây xanh, phủ xanh đồi núi; xây dựng các tuyến đường xanh, công sở xanh, khu vực công cộng xanh… Xây dựng và duy trì các mô hình thực hành bảo vệ môi trường hiệu quả (như phân loại rác, tái chế, tái sử dụng; trồng cây xanh phù hợp với tình hình tại các địa phương).
Đồng thời, nêu gương và vận động mọi người cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường. Trao quyền cho phụ nữ cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong chống sa mạc hóa, hạn hán và suy thoái đất để tạo ra một tương lai tươi sáng hơn, bền vững hơn.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/phu-nu-chung-tay-bao-ve-moi-truong-chong-sa-mac-hoa.html