Chuyên gia võ thuật 28 tuổi cho biết cô muốn giúp những người phụ nữ có nguy cơ học cách đối phó với lạm dụng, xây dựng mối quan hệ cũng như sự tự tin sau hơn một tuần các nhà thờ Hồi giáo, khách sạn dành cho người tị nạn và cảnh sát bị tấn công.
“Nó giúp bạn tự tin hơn”, Maya Hassan nói “Bạn biết mình cần phải tìm kiếm điều gì, cách nhận thức xã hội, cách phát hiện sự việc và thoát khỏi tình huống tồi tệ”.
Cộng đồng Hồi giáo và dân tộc thiểu số đã bày tỏ sự bàng hoàng trước tình trạng hỗn loạn, gây ra bởi thông tin sai lệch trên mạng rằng kẻ tình nghi sát hại ba cô bé bằng dao ở Southport, vùng tây bắc nước Anh, là người nhập cư theo đạo Hồi.
Huấn luyện viên võ thuật Stewart McGill cho biết đã có nhiều cô gái đăng ký lớp học hơn kể từ khi tình trạng hỗn loạn diễn ra. Ông đã hướng dẫn họ tự vệ bằng những cú đá hay tận dụng những vũ khí ngẫu nhiên như thắt lưng.
Elza Annan, 24 tuổi nói rằng cô đã trở nên tự tin hơn: “Tôi không muốn phải sử dụng chúng nhưng sẽ rất hữu ích khi biết cách tự vệ trước những kẻ phân biệt chủng tộc gần đây”.
Các cuộc bạo loạn chủ yếu nhắm vào người di cư, người Hồi giáo và người châu Á, gieo rắc nỗi sợ hãi cho các cộng đồng thiểu số ở Vương quốc Anh.
Tell MAMA UK, một nhóm theo dõi cho biết rằng sự căm ghét nhắm vào người Hồi giáo đã gia tăng ở Vương quốc Anh trong một thời gian, đặc biệt là kể từ cuộc xung đột diễn ra ở Gaza ngày 7 tháng 10 năm ngoái.
Kể từ khi các cuộc bạo loạn bắt đầu, đã có hơn 500 cuộc gọi và báo cáo trực tuyến về hành vi chống người Hồi giáo trên khắp Vương quốc Anh.
Sunder Katwala, giám đốc của British Future – tổ chức tư vấn các vấn đề về di cư và bản sắc, đã nói rằng Vương quốc Anh là một “nền dân chủ đa sắc tộc”.
Nhưng ông cho rằng các chính quyền trước đây đã không có chiến lược trong việc hòa nhập các cộng đồng khác. Trong khi những người dân từ Ukraine hay Hồng Kông đều được chính phủ hỗ trợ, song sự hỗ trợ đó không đến với tất cả các nhóm người.
Hệ thống tị nạn phải đối mặt với những áp lực, với lượng đơn đăng ký tồn đọng lớn, đồng thời người dân đất nước này lo ngại về các vấn đề nhà ở, y tế và giáo dục. “Bạn có thể thấy rõ sự thiếu kiểm soát và điều đó dẫn đến nỗi sợ hãi”, ông nói.
Các cuộc bạo loạn phần lớn đã dừng lại khi hàng nghìn người biểu tình chống phân biệt chủng tộc xuất hiện để bảo vệ các trung tâm tư vấn nhập cư, nhà thờ Hồi giáo và khách sạn nơi người tị nạn trú ngụ.
Hassan, công dân Thụy Sĩ gốc Somalia, đã chuyển đến Anh vào năm 2008 vì cô cảm thấy nơi đây chào đón các nhóm dân tộc thiểu số hơn các nơi khác ở châu Âu. Cô đang cân nhắc tổ chức thêm nhiều lớp học.
Nhóm vận động The Three Hijabis đã tổ chức một cuộc họp hội nghị trực tuyến với phụ nữ Hồi giáo ở Manchester, miền bắc nước Anh, để thảo luận về các tác động tâm lý do bạo lực.
Giám đốc The Three Hijabis – Shaista Aziz cho biết một số lo ngại rằng bạo lực có thể gây ra xung đột hoặc lạm dụng, khiến nhiều người không dám ra đường.
“Hôm nay, tôi đã khuyên một người chị mà tôi vô cùng yêu quý nên cân nhắc việc cởi bỏ khăn trùm đầu để đảm bảo an toàn…” cô chia sẻ trên mạng xã hội X. “Trên khắp nước Anh, những người Hồi giáo cũng đang có những cuộc trò chuyện tương tự”.
Thủ tướng Keir Starmer, người đã ra lệnh tăng cường bảo vệ cho cộng đồng Hồi giáo, cho rằng những kẻ bạo loạn là “những côn đồ cực hữu”. Gần 800 người đã bị bắt, trong đó một số đã nhanh chóng bị đưa ra tòa và kết án tù giam.
Maki Omori, 23 tuổi, một người tham gia lớp học tự vệ chia sẻ: “Tôi thấy thực sự đáng sợ khi nghĩ đến việc mình sẽ tự vệ như thế nào. Tôi muốn chắc chắn rằng nếu có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ cảm thấy sẵn sàng”.
Hà Trang (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/phu-nu-anh-hoc-cach-tu-ve-truoc-nan-bao-luc-phan-biet-chung-toc-post307362.html