THÁI NGUYÊN Anh trở về làm chè, cho cây ‘ăn trứng gà’, bón phân hữu cơ với ước nguyện được nghe tiếng chim ca, được thấy lũ ong bướm bay về…
LTS: Phú Lương là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên có điều kiện thổ nhưỡng đa dạng, thuận lợi cho nhiều cây trồng đặc sản sinh trưởng, phát triển. Đây là vùng chè cho sản lượng lớn thứ 2 của tỉnh Thái Nguyên sau huyện Đại Từ; vùng nếp vải Ôn Lương làm nên làng nghề bánh chưng Bờ Đậu nổi tiếng cả nước; vùng dược liệu thìa canh rộng lớn…
Mơ ước về vùng chè organic kiểu Nhật Bản
Thôn Khe Cốc, xã Tức Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đẹp tựa thảo nguyên với những đồi chè trải dài và gió mát. Lũ ong rủ nhau từng tốp đến lấy mật từ nhụy hoa chè. Anh Tô Văn Khiêm, Giám đốc Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc bảo, loài ong tinh và thính lắm, nếu hoa không sạch, chúng không tìm đến đông như thế. Chúng say sưa hút mật như thể con người say sưa vị trà vùng núi đồi nơi đây.
Anh Khiêm là một trong những nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân chế biến chè. Quê anh ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. 5 tuổi, Khiêm theo bố mẹ lên vùng Khe Cốc xây dựng vùng kinh tế mới và phát triển kinh tế từ cây chè. Thế rồi một thời suy thoái kinh tế, cây chè mất giá, lại bị tư thương ép giá, những người làm chè như anh phải bỏ chè để tìm nghề khác mưu sinh.
Anh Khiêm bảo rằng, cũng muốn gắn bó với cây chè nhưng gánh nặng nuôi 2 đứa con ăn học, nếu cứ bám theo nghề chè thì không đủ tiền nuôi chúng hết phổ thông rồi đại học. Anh đành bỏ cây chè, rời quê hương đến một thành phố để mở nhà hàng, lập nghiệp.
Tôi hỏi: Giữa mở nhà hàng với cây chè tưởng chẳng có mối quan hệ gì với nhau. Vậy cơ duyên nào khiến anh quay lại với cây chè?
Anh đáp: Đến năm 2011, ngoài mở nhà hàng, anh tổ chức các tour du lịch đi nước ngoài, trong đó có 1 chuyến đi Nhật Bản anh theo đoàn đến đúng vùng chè Chiba của Nhật Bản. Ở đây, những đồi chè cỏ mọc dày, đẹp, họ bảo trồng theo organic. Lúc ấy anh không hiểu organic là gì, chỉ biết là chăm bón không dùng phân bón, thuốc hóa học. “Thế này các cụ ta đã làm mãi rồi, từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước làm gì có phân hóa học, sao mình không làm?”, anh nghĩ.
Cách làm trà organic của người Nhật đã ám ảnh và thôi thúc anh trở về Khe Cốc, nơi núi đồi nuôi dưỡng tuổi thơ anh, nơi có những nương chè đã bị ảnh bỏ lại. Anh tập hợp những người cùng có tư tưởng mới xây dựng HTX.
Lúc ấy không ai muốn theo, họ bảo nghe chuyện của anh như đi trên mây. Bởi người ta phun thuốc đầy nương chè mà sâu còn chưa hết, nói gì đến chuyện không phun gì mà trồng được chè, đó là điều không tưởng. Lại còn bảo làm được chè sạch còn thu hút cả khách du lịch. Khách nào muốn tìm đến nơi khỉ ho cò gáy như Khe Cốc…?
Những năm đầu làm chè sạch, anh mua mấy chục tấn chuối cho gia đình và HTX làm phân bón, kết hợp bón phân chuồng hoai mục ủ từ phân bò; dung dịch vi sinh phân hủy. Dùng các loại phân bón hữu cơ đã làm cho sản lượng cây chè giảm đi đáng kể, khoảng 40%. Việc này khiến anh và người dân trong làng khá lo lắng. Tuy khó nhưng anh vẫn quyết không nản lòng. Bởi nếu người làm chè cứ mãi khoác bình thuốc trên lưng thì chẳng khác nào tự khoác cái chết dần dần. Như thế có làm ra bao nhiêu tiền, tích cóp được bao nhiêu vàng thì đến khi mắc bệnh lại đổ hết vào bệnh viện.
Từ năm 2018 đến nay, những nương chè của anh Khiêm không còn bóng dáng của hóa chất. Giờ thì HTX của anh đã có cả trăm ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 20ha được công nhận tiêu chuẩn hữu cơ.
Anh bảo, mình càng hạnh phúc hơn khi thành công dần hé nở, nhiều bàn tay nông dân khác cũng nắm lấy tay anh, cùng hướng về con đường phía trước, nhọc nhằn nhưng đầy hi vọng về vùng chè hữu cơ trứ danh, nức tiếng.
Cho chè “ăn” trứng gà
Chuyện anh Khiêm mua trứng gà về bón cho chè lại tiếp tục gây bất ngờ đối với người làm chè ở Tức Tranh và cả tỉnh Thái Nguyên. Bởi trứng gà thì đắt mà nương chè rộng cả trăm ha, bao nhiêu trứng cho đủ?
Anh Khiêm giải thích: Nghe mà không hiểu rõ thì ai cũng sẽ nghĩ thế, nhưng thực chất trứng gà mà anh mua đều là trứng gà thải loại (trứng ấp non, ấp hỏng) giá rất rẻ (chưa đến 1.000 đồng/kg), mà mỗi kg có tới hơn 10 quả. Số trứng ấy anh mang về pha loãng bằng nước rồi tưới xuống các gốc chè. Mỗi khi đến độ thu hoạch, số chè này được phân loại riêng để tạo nên các sản phẩm đặc biệt có chất chè ngon hơn, thơm hơn.
Cũng chính cái việc làm lạ lẫm cho chè “ăn” trứng gà ấy của anh đã tạo cơ hội để vùng chè đến tai lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Và cũng là cơ duyên để cây chè ở vùng quê hẻm đồi ấy đi tận trời Âu.
Anh kể, vào năm 2019, khi ấy lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên có chuyến đi công tác ở châu Âu và đoàn có giao các HTX chè trong tỉnh làm quà biếu phù hợp với văn hóa châu Âu.
Anh tìm những người họ hàng đã từng sống và làm việc ở châu âu, hiểu thức uống của người châu Âu và nghiên cứu làm ra loại trà túi lọc, nguyên liệu từ vùng chè hữu cơ của núi đồi quê anh. Sau thử thách, chọn lọc, những loại trà pha bằng ấm ngon nhất nhì xứ Thái như Tân Cương, Trại Cài Đồng Hỷ đều bị lắc đầu, chỉ còn trà túi lọc của HTX Chè an toàn Khe Cốc đứng vững và được đón nhận.
Cũng trong năm 2019, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã giới thiệu cho HTX Chè an toàn Khe Cốc một hợp đồng, ký kết tại UBND tỉnh Thái Nguyên với thị trường Cộng hòa Séc.
Tối hôm ấy anh Khiêm không ngủ được, anh nhìn về núi đồi yên ả, không có tiếng người, chỉ có tiếng côn trùng rả rích hòa vào nỗi lòng với vô vàn cảm xúc trong anh. Anh thầm nghĩ: Núi đồi ơi, những nương chè ơi, tôi đã làm được. Chỉ ngày mai kia thôi, mùi vị của hương chè quê hương sẽ bay tới tận trời Âu, phục vụ những vị khách khó tính nhưng biết yêu, biết thưởng trà. Trong cảm xúc lâng lâng ấy, anh mong chờ bình minh lên!
Không dám nhận hợp đồng trăm tấn
Vùng chè hữu cơ của HTX Chè an toàn Khe Cốc có diện tích lên tới 100ha, trong đó có 20ha đã được chứng nhận hữu cơ, còn lại đang thực hiện chuyển đổi. Anh Khiêm bảo, nghe 100ha thì có vẻ rộng lớn đấy nhưng chẳng là gì với bạn hàng lớn. Đợt vừa rồi đối tác ở châu Âu muốn ký hợp đồng 100 tấn nhưng HTX không dám nhận.
Tôi hỏi: Tại sao lại không dám nhận? Anh đáp: Vì sợ. Làm việc với châu Âu được giá thật nhưng yêu cầu của họ cũng rất khắt khe. Do đó mình sản xuất phải rất kỹ lưỡng.
Như năm vừa rồi, để đảm bảo 13 tấn chè xuất khẩu cho đối tác ở châu Âu, đối tác yêu cầu phải đặt cược với mức hơn 100 triệu đồng/tấn để tạo mối ràng buộc giữa 2 bên. Nếu không đạt tiêu chuẩn thì lô chè sẽ bị tiêu hủy, HTX sẽ mất hơn 10 tỷ đồng tiền chè và khoảng 1,5 tỷ tiền đặt cọc. Như thế nếu HTX không đảm bảo chè đủ tiêu chuẩn an toàn, rủi ro sẽ rất lớn.
Cũng từ đó anh nhận ra rằng, nông dân mình thường hài lòng khi đủ ăn, đủ tiêu. Nhưng khi gặp bạn hàng đòi hỏi lớn thì mình cần phải làm ăn lớn, phải thay đổi tư duy và nhìn về tương lai. Bởi vậy việc mở rộng phát triển nông nghiệp tốt là rất cần thiết.
Nắng chiều xuyên qua những nương chè, mang theo mùi chè nồng đượm, thoang thoảng hương. Bao tinh túy của đất, của cây đổ dồn vào những búp chè non, rồi qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, nó được rang, sao lên, hương đậm vị của núi đồi Khe Cốc – một vị trà riêng biệt để khi nhấp môi người ta sẽ nhớ mãi.
Vị trà từ núi đối ấy, còn là mùi của đất, của mạch nguồn sự sống, mùi của những năm tháng xa xôi lắm, khi đất vẫn còn khỏe như bản chất hoang sơ vốn có của tạo hóa.
Ông Hoàng Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết, HTX Chè an toàn Khe Cốc là HTX chè hoạt động hiệu quả tiêu biểu của xã.
Hiện nay HTX có 5 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao. HTX Chè an toàn Khe Cốc đang sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 12 đến13 sản phẩm khác nhau với giá bán dao động từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg. HTX mang lại thu nhập trung bình cho các hộ liên kết với HTX đạt hơn 300 triệu đồng, hộ thấp nhất cũng đạt 120 triệu đồng/năm.