TPHCM vừa đề xuất hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi, học sinh THPT công lập, ngoài công lập và học viên GDTX hệ THPT từ năm học 2025 – 2026.
Đây được xem là chính sách nhân văn, có tầm chiến lược, nếu được thông qua sẽ là niềm vui đối với nhiều phụ huynh, học sinh.
Hỗ trợ 653 tỷ đồng mỗi năm
Sở GD&ĐT TPHCM vừa hoàn thành dự thảo gửi UBND thành phố để trình HĐND về chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh THPT công lập, ngoài công lập và học viên GDTX hệ THPT trên địa bàn từ năm học 2025 – 2026.
Cụ thể, đơn vị này đề xuất mức hỗ trợ cho học sinh nhà trẻ 120.000 – 200.000 đồng/tháng; mẫu giáo 100.000 – 160.000 đồng/tháng; THPT và hệ giáo dục thường xuyên THPT 100.000 – 120.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ này bằng mức học phí mà học sinh các cấp phải đóng hằng tháng hiện nay (tùy theo khu vực nội thành hay ngoại thành).
Ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, dự thảo tờ trình là một trong những nội dung nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – sự kiện đặc biệt quan trọng của thành phố.
Dự toán kinh phí thực hiện chính sách miễn học phí này cho năm học 2025 – 2026 là 653 tỷ đồng. Trong đó, mức hỗ trợ cho học sinh các trường công lập là 423 tỷ đồng, trường ngoài công lập là 230 tỷ đồng. Riêng học sinh đang học tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài thì không được hỗ trợ học phí.
Hiện, học sinh tiểu học, trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS ở TPHCM được miễn học phí. Như vậy, chỉ còn trẻ mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THPT phải đóng học phí theo quy định. Do đó, Sở GD&ĐT TPHCM đánh giá việc miễn học phí đối với 2 nhóm này là món quà ý nghĩa, thiết thực cho toàn bộ học sinh thành phố, tạo đồng thuận cao của người dân với chính sách an sinh xã hội.
Đặc biệt, chính sách cũng phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của TPHCM trong giai đoạn mới. Từ đó thể hiện rõ sự quan tâm đầu tư của thành phố cho giáo dục, đi đầu trong các chính sách miễn giảm, hỗ trợ học phí, đảm bảo chất lượng giáo dục và cơ hội học tập cho người dân; thực hiện tốt các nhiệm vụ sau khi gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mong đề xuất được thông qua
Bất ngờ và vui mừng là tâm trạng của chị Nguyễn Thị Kim Liên (TP Thủ Đức, TPHCM) khi biết thông tin Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất miễn học phí toàn bộ học sinh từ năm học tới. Chị Liên hiện có 3 con học tiểu học và THCS trên địa bàn TP Thủ Đức.
Chi phí học tập của các con không nhỏ, do đó, chính sách miễn học phí nếu được áp dụng sẽ giúp gia đình tiết kiệm đáng kể. “Dù biết học phí chỉ chiếm một phần nhỏ trong các khoản mà học sinh đang phải đóng, nhưng được phần nào hay phần đó. Tôi nghĩ đây là chính sách nhân văn của thành phố hỗ trợ người dân và thực sự cảm động”, chị Liên cho hay.
Sau dịch Covid-19, chị Lê Thị Tính (Quận 8, TPHCM) chứng kiến nhiều gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vất vả lo toan cuộc sống vì thu nhập giảm trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, tiền học cho trẻ. “Chính sách miễn học phí sẽ đỡ phần nào gánh nặng cho công nhân. Tôi ủng hộ chủ trương miễn học phí cho học sinh các cấp. Đây là việc làm nhân văn, nhất là đối với học sinh con em công nhân, người lao động tự do…”, chị Tính bày tỏ.
Ở góc độ nhà trường, cô Phạm Bảo Hạnh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Phong (Quận 7) cho biết, đề xuất miễn học phí cho học sinh THPT và mầm non là tin vui không chỉ đối với học sinh, phụ huynh mà cả người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục. “Món quà” của thành phố mang lại nhiều ý nghĩa. Trên thực tế, không riêng gì TPHCM, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã miễn học phí từ bậc mầm non đến phổ thông. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo các tỉnh, thành chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
“Với TPHCM, hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp càng ý nghĩa vì đây là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đông người dân nhập cư, qua đó không chỉ thể hiện tính nhân văn còn là sự quan tâm đến giáo dục, xem giáo dục như quốc sách hàng đầu của các cấp lãnh đạo. Tôi cho rằng đề xuất này hợp lòng dân, chia sẻ gánh nặng đối với những gia đình đông con hoặc có con trong độ tuổi đến trường. Hy vọng đề xuất sớm được thông qua”, cô Hạnh bày tỏ.
Với hệ thống GDTX, hỗ trợ học phí càng mang nhiều ý nghĩa, bởi phần đông học viên ở đây có hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả. Việc được hỗ trợ học phí sẽ tạo động lực học tập tốt hơn vì các em không phải lo lắng về vấn đề này, giúp phụ huynh yên tâm hơn.
Ông Nguyễn Minh Kha – Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX Quận 4 (TPHCM) chia sẻ: “Số tiền tuy không lớn với nhiều gia đình nhưng với các em sẽ ý nghĩa. Có em tại trung tâm phải làm phụ việc mấy buổi mới có được 120.000 đồng. Hỗ trợ học phí góp phần giúp học sinh yên tâm hơn trong học tập và thêm tin tưởng vào cuộc sống và tương lai tốt đẹp”.
Ông Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhận định: “Dự thảo nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh THPT công lập, ngoài công lập, học viên giáo dục thường xuyên THPT từ năm học 2025 – 2026 là việc làm cần thiết, thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với lĩnh vực giáo dục, tạo thuận lợi để tất cả học sinh được đến trường, lớp.
Qua đó góp phần củng cố phổ cập giáo dục ở các bậc học trong bối cảnh TPHCM vừa được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới học tập toàn cầu. Tôi mong lãnh đạo thành phố sẽ quan tâm và đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT TPHCM”.
Nguồn: https://danviet.vn/tphcm-de-xuat-mien-hoc-phi-phu-huynh-vui-mung-nha-truong-dong-thuan-20241219162547183.htm