Hội nghị cha mẹ học sinh năm 2024-2025 của Trường Tiểu học, THCS, THPT Nam Việt, TPHCM với hàng ngàn phụ huynh tham dự diễn ra vào ngày 12/10.
Trước khi đối thoại cùng phụ huynh, ông Nguyễn Đức Quốc, đại diện nhà trường đề nghị: “Chúng tôi có điều gì chưa ổn, tôi mong phụ huynh đừng ngại, đừng né tránh, hãy thẳng thắn chỉ ra cho trường biết. Có như vậy trường mới biết khắc phục ở đâu, phải làm gì để tốt hơn. Làm giáo dục phải thẳng thắn với nhau thì mới cùng tốt lên được”.
Trước gợi mở này, một phụ huynh phản ánh việc con mình hằng ngày đến trường gửi xe thường gặp một số bảo vệ không vui vẻ, thái độ còn khó chịu. Điều này ảnh hưởng đến khởi đầu một ngày mới của các con.
Ông Nguyễn Đức Quốc cảm ơn ý kiến của phụ huynh và thừa nhận có tình trạng bảo vệ lớn tuổi, thái độ khó chịu gây ảnh hưởng đến học trò.
“Có ban giám sát của trường ở đây, tôi đề nghị xem lại đội ngũ bảo vệ, cần thiết thì phải thay đến một nửa. Nhân sự nào làm việc không tốt, phải cho nghỉ, không giữ lại, thay người làm việc nhiệt tình, năng động vào. Ít nhất trước mắt là phải cho thay 2 người”, nhà quản lý này nói.
Theo ông Quốc, trong trường học hay cả các công ty, nhiều công đoạn, các bộ phận hoạt động rất trơn tru nhưng có thể vừa bước vào cổng, gặp ngay người bảo vệ nhăn nhó, khó chịu… Khi nghe phụ huynh phản hồi, góp ý thì phải điều chỉnh ngay.
“Mình làm giáo dục mình phải cúi đầu chào học sinh trước. Còn mình làm giáo dục mà cái mặt mình như thế này – ông Quốc làm động tác ngẩng mặt lên trời – làm sao tạo được thiện cảm, làm sao học trò nể mình”, ông nói.
Ông Nguyễn Đức Quốc cũng giao trực tiếp cho một quản lý cùng yêu cầu: “Từ ngày mai, cô ra phụ trách trước cổng trường, ai làm việc thiếu tích cực cắt hợp đồng ngay. Nhân sự làm việc nhận lương cần đem lại sự tốt đẹp cho nhà trường, không thể chấp nhận mang lại sự phiền hà cho học sinh, cho phụ huynh được”.
“Cách giáo dục tốt nhất là không cho trẻ đi học thêm”
Một người mẹ có hai con học tại trường trao đổi về việc trường tổ chức hoạt động du lịch trải nghiệm thường kéo dài 3 ngày 2 đêm nên chị không yên tâm để con tham gia. Phụ huynh này cũng cho rằng cần tăng cường thêm các hoạt động kỹ năng sống cho học sinh.
Dù phụ huynh không hỏi nhưng ông Quốc tiết lộ: “Trường học tổ chức hoạt động trải nghiệm du lịch thì đều có phần trăm bồi dưỡng trong đó. Có thể là 10-20%, tổng số tiền rất lớn, không thể nào “chạy đâu cho nổi” vì kiểu gì bên đơn vị tổ chức họ cũng đưa”.
Khi tổ chức hoạt động này, ông Quốc cho biết, trường cân nhắc tour nào giá không cao quá nhưng hiệu quả phải cao nhất, tốt nhất như học trò được ăn uống đảm bảo, ở chỗ an toàn, đến những nơi bổ ích chứ không để lợi nhuận làm “mờ mắt” mà tổ chức sơ sài.
Về phần hoa hồng từ phía đơn vị tổ chức, đại diện nhà trường thông tin, họ bồi dưỡng cho giáo viên quản nhiệm đi cùng hỗ trợ, chăm sóc học trò. Tiền dư ra, trường bỏ vào quỹ khuyến học của trường, góp vào quỹ học bổng Vừ A Dính.
Đại diện nhà trường khẳng định, hoạt động du lịch trải nghiệm là hoàn toàn tự nguyện. Phụ huynh yên tâm thì cho con tham gia, không thì thôi. Phụ huynh có thể chọn đợt này hoặc đợt khác tùy chương trình phù hợp với mong muốn của mình hơn.
Về tăng cường các kỹ năng sống cho học sinh, Nguyễn Đức Quốc cho rằng, ngoài các hoạt động ở nhà trường, việc giáo dục kỹ năng sống cần bắt đầu từ gia đình. Bố mẹ cần phải mạnh dạn “thả” con ra, đừng “úm” con quá. Cho con được làm, được thực hành, được va chạm, được giải quyết vấn đề…
Đặc biệt, người này nhấn mạnh để trang bị kỹ năng sống, trẻ cần có không gian và thời gian chứ không chỉ biết học và học.
“Cách giáo dục tốt nhất cho học sinh là hạn chế đi học thêm, tốt hơn nữa là không đi học thêm. Chúng ta nên bỏ học thêm đi, để các con ở nhà vui chơi, tự tìm tòi, tự mày mò. Cho trẻ cơ hội tự học, tự mày mò là cách tốt nhất cho học sinh”, ông Nguyễn Đức Quốc nêu quan điểm.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/phu-huynh-than-bao-ve-kho-chiu-lanh-dao-truong-dua-quyet-dinh-gay-choang-20241013084418531.htm