Các nhà trường có những quy định cụ thể đối với phụ huynh trong việc cùng chung tay xây dựng văn hóa ứng xử học đường.
Hiện nay, vấn đề xây dựng văn hóa học đường không chỉ là mong muốn của ngành giáo dục mà còn là mối quan tâm của toàn xã hội. Xây dựng văn hóa học đường không chỉ từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng.
Sự hình thành nhân cách mỗi cá nhân đều chịu ảnh hưởng từ gia đình và nhà trường, được thử thách, trưởng thành nhờ xã hội. Nếu có sự quan tâm đầy đủ từ ba môi trường này sẽ tạo điều kiện để trẻ phát triển lành mạnh, hình thành nhân cách, năng lực của con người.
Theo thạc sĩ Hà Thái Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội), để trẻ em trở thành người có nhân cách, đạo đức tốt, cha mẹ là tấm gương cho con cái về thái độ, lời nói, cử chỉ đúng mực, cha mẹ hướng dẫn con cái xây dựng những chuẩn mực giá trị trong gia đình. Mỗi gia đình phải luôn giáo dục con cái những giá trị truyền thống như: lòng yêu thương, quý trọng giữa anh chị em ruột thịt, chăm sóc bố mẹ, tôn trọng và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Cha mẹ cũng có vai trò to lớn trong việc dạy con cách sống hướng thiện, trung thực, nhân ái, bao dung, sống có tình làng nghĩa xóm, có tình yêu quê hương đất nước, biết cách phân biệt và phê phán những thói hư tật xấu, qua đó giúp con cái hình thành ý thức trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng xã hội.
Thực tế hiện nay, trong xã hội, nhiều gia đình thường phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, chưa nhận thức và thực hiện đúng vai trò của giáo dục gia đình đối với con cái. Nhiều gia đình cha mẹ bận rộn với công việc, chưa có nhiều thời gian cho giáo dục con cái.
Nhiều em thiếu hiểu biết về những chuẩn mực xã hội, thiếu kỹ năng sống dẫn đến sự nhận thức lệch lạc và hành vi vi phạm pháp luật cũng như đạo đức. Điều này do việc giáo dục gia đình còn lỏng lẻo và chưa đạt hiệu quả và dẫn đến những khó khăn đối với giáo dục văn hoá học đường.
Có thể thấy rằng, giáo dục học đường không thể tách rời khỏi giáo dục gia đình. Trách nhiệm giáo dục con cái phải được bắt đầu từ gia đình và không một chính sách giáo dục nào có thể thay thế được sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình, cha mẹ.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử cũng sẽ được đưa vào tiêu chí thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân trong nhà trường để khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực áp dụng vào thực tiễn.
Ngành giáo dục cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền nội dung của quy tắc ứng cử đối với người quản lý, cán bộ, giáo viên và học sinh. Các lực lượng giáo dục trong nhà trường đều có những ràng buộc, quy định trong ngôn ngữ, trang phục và hành vi. Trong từng lĩnh vực sẽ có định hướng những việc nên làm, được làm, khuyến khích những giá trị tốt đẹp.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT hiện nay, chúng ta đang vận dụng cơ chế nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục. Phụ huynh là đại diện cho gia đình trước nhà trường và các hoạt động giáo dục.
Vì thế, quy tắc ứng xử trong nhà trường cũng có những quy định cụ thể, đối với phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh, Ban giám hiệu nhà trường sẽ chịu trách nhiệm tuyên truyền đến phụ huynh bảo đảm các quy tắc ứng xử khi tham gia vào các hoạt động giáo dục và hoạt động ở môi trường học đường.
Để khuyến khích phụ huynh làm tốt vai trò của mình khi thực hiện bộ quy tắc ứng xử, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức ký cam kết giữa phụ huynh với nhà trường trong việc đồng thuận với các biện pháp giáo dục của nhà trường trong tất cả các hoạt động. Đây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường. Phụ huynh cũng cần có trách nhiệm cao trong việc giúp nhà trường nắm bắt tâm lý học sinh từ đó phối hợp với nhà trường để quản lý và định hướng hoạt động của các em.
Các trường đại học chung tay xây dựng nét đẹp văn hóa học đường
Xây dựng văn hóa học đường gắn với trường học hạnh phúc
Nguồn: https://vietnamnet.vn/phu-huynh-tham-gia-xay-dung-van-hoa-ung-xu-hoc-duong-2346829.html