Thời gian gần đây, liên tiếp những sự việc liên quan đến bạo lực học đường đã xảy ra và thu hút sự quan tâm của dư luận. Với cương vị là những người cha, mẹ, nhiều phụ huynh đã bày tỏ thái độ và quan điểm cứng rắn để bảo vệ con khi không may rơi vào tình huống tương tự.
Là một phụ huynh có con nhỏ, chị Trần Thị Linh Chi (SN 1986, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) cho biết rất lo lắng và luôn quan tâm con khi đi học.
“Tôi chưa từng dạy con đánh bạn, nhưng tôi dạy con không được ngồi yên để bị bắt nạt, tôi sẽ luôn đồng hành với con, sẵn sàng cùng con chinh phục thế giới và có nhau trên mọi chặng đường đời”, chị Chi nói.
Theo chị Chi, người lớn chúng ta làm bố mẹ thôi chưa đủ mà phải còn là một người bạn với con mình để con có thể giãi bày tâm tư và khúc mắc của con, ngoài ra còn có thể can thiệp và giải quyết kịp thời tránh những sự việc như bạo lực học đường đi quá xa.
Từng là một học sinh bị bạo lực học đường, chị Lê Hà Phương (TP Vinh, Nghệ An) cho biết bạo lực học đường tồn tại ở bất cứ môi trường giáo dục nào, không ngoại trừ trường chuyên lớp chọn, thành thị hay nông thôn.
“Hồi xưa, truyền thông chưa bùng nổ như bây giờ, chưa có điện thoại để quay lại, không có bằng chứng gì hết, chỉ có mách thầy, cô, mách bố mẹ và tự bảo vệ bản thân mà thôi. Xã hội càng phát triển lại càng quá nhiều nỗi lo lắng, lo con học trường nào, lớp nào, hệ nào, lo con thiếu kỹ năng, lo dạy con tự bảo vệ bản thân; lo con bị lạm dụng, lo con bị áp lực, bị tẩy chay, bị trầm cảm… Dạy con kiến thức, tư chất, đạo đức, kỹ năng, thái độ sống… Bảo vệ con trước nhiều cám dỗ, rủi ro”, chị Phương chia sẻ.
Theo chị Phương, áp lực học đường thật sự quá nghiêm trọng và nguy hiểm, đừng trách các em, các con khi không biết cách tự vượt qua áp lực. Trên cương vị là một người mẹ, chị Phương cho biết để giải quyết điều này rất cần sự thấu hiểu, gắn kết với các em với gia đình và nhà trường.
Ở nước ta, bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở hình thức đánh nhau tác động đến thể chất mà còn nhiều hành vi tấn công về mặt tinh thần như hăm dọa, chửi rủa, cô lập… Điều này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển của học sinh, vấn nạn này có thể được hạn chế và ngăn chặn khi được sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với con, em.
Lê Trang