Phụ huynh nặng thành tích thì dạy thêm, học thêm còn tồn tại ở góc độ tiêu cực

Báo Dân ViệtBáo Dân Việt11/02/2025

Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm đang nhận được quan tâm lớn từ dư luận. Bên cạnh chia sẻ từ đội ngũ giáo viên, chuyên gia, phụ huynh cũng đã đưa ra ý kiến về vấn đề này.


Thông tư 29 dạy thêm, học thêm: "Phụ huynh còn nặng thành tích thì dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực"

Thông tư 29 của Bộ GDĐT sẽ chính thức áp dụng từ ngày 14/2 quy định 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của học sinh, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh.

Nhiều phụ huynh nêu lý do để con cần đi học thêm như sợ con thiệt thòi so với các bạn, muốn có người trông giữ con và muốn làm vừa lòng cô giáo, sợ cô giáo "trù dập", và cũng có người nặng vì thành tích.

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Lê Thu Huyền, phụ huynh có con học lớp 5 và 10 ở Hà Nội nêu quan điểm: "Đọc Thông tư 29 xong tôi vô cùng lo lắng. Dù giáo viên dạy giỏi nhưng con mình học kém thì phải đi học thêm là đúng rồi. Học kém thì càng phải học thêm để giáo viên kèm cặp, hướng dẫn, bạn nào học giỏi thì cũng phải học để giỏi hơn, thi giải nọ giải kia".

Thông tư 29:

Học sinh Hà Nội đang bước vào học kỳ 2 năm học 2024-2025. Ảnh minh họa: Tào Nga

Chị Nguyễn Tố Ngân, có con đang học một trường Tiểu học cũng bất ngờ khi con mình nằm trong đối tượng không được học thêm: "Thực sự công việc của tôi quá bận và tôi cũng không đủ kiến thức và thời gian để dạy cho con học. Thay vì để con tự mò mẫm làm ở nhà thì tôi cho con đi học thêm nhà cô giáo, tốn kém, vất vả tí nhưng bù lại yên tâm kiến thức của con. Còn hơn ở nhà mẹ con quát nhau mà con cũng không chịu học".

Ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có những trao đổi xoay quanh câu chuyện dạy thêm, học thêm. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, đối với lĩnh vực giáo dục nói chung và dạy thêm, học thêm nói riêng, chỉ nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội. 

Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực. Sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện Thông tư quy định dạy thêm, học thêm cũng rất quan trọng để quy định được thực hiện hiệu quả.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, việc ban hành Thông tư quy định dạy thêm, học thêm là để phù hợp với rất nhiều chính sách, quy định hiện hành và yêu cầu thực tiễn. 

"Những ngày gần đây, qua theo dõi dư luận cho thấy, các quy định của Thông tư nhận được sự đồng tình từ xã hội. Để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống thì điều quan trọng là cần việc hiểu đúng, làm đúng trách nhiệm của các bên. Cụ thể: sau khi ban hành Thông tư 29 và sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các Sở GDĐT tham mưu và ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương.

UBND các tỉnh cần chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức các hội nghị chuyên đề để phổ biến, hướng dẫn đến các đối tượng liên quan để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định. Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT tiếp tục quan tâm và sớm ban hành hướng dẫn, tham mưu phù hợp với địa phương. Bộ lưu ý các nhà trường bổ trợ cho những học sinh thực sự còn đang yếu kém, chuẩn bị thi chuyển cấp và cần xác định đó là trách nhiệm cần phải làm… Những gì Thông tư quy định dạy thêm, học thêm đang hướng tới một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp. Do vậy, dù bước đầu khó khăn nhưng mong rằng sẽ có sự đồng lòng, quyết tâm của thầy cô giáo trong triển khai. Bộ GDĐT sẽ sát sao cùng địa phương, nhà trường, thầy cô trong quá trình thực hiện", Thứ trưởng nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm: Mục tiêu của Thông tư 29 là rất nhân văn

Nhìn toàn diện Thông tư số 29, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam cho rằng, có hai việc khác nhau về Thông tư 29 cần được hiểu thấu suốt. Thông tư 29 mong muốn không còn tình trạng dạy thêm, học thêm trong trường học. Mục tiêu này là rất nhân văn, giống với các nước có nền giáo dục hiện đại trên thế giới.

"Ở nước ta, nhiều thế hệ chìm đắm trong dạy thêm học thêm. Điều đó là không đúng quy luật phát triển của con người hiện đại. Lý do bởi mỗi học sinh đều tập trung học để phục vụ các kỳ thi chuyển cấp, chọn trường, chọn lớp kèm bằng cấp đi theo. Chúng ta mới chỉ quan tâm đến kiến thức, bằng cấp mà chưa quan tâm hết đến phát triển bản thân để phù hợp với từng cá nhân học sinh. Do đó, có thể nói mục tiêu của Thông tư 29 là rất tốt, rất nhân văn, đó là muốn thay đổi thói quen cũ, tư duy cũ đã trở thành nếp đối với người dân", TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Tuy vậy, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Thông tư 29 cũng chỉ là giải pháp tình thế, khó giải quyết tận gốc vấn đề dạy thêm học thêm. Thay đổi một thói quen, hình thành một nếp nghĩ, nếp làm cần phải có quá trình để mỗi người có thời gian tiếp thu và thực hiện chứ không thể thay đổi ngay, nói cái là yêu cầu phải làm ngay.

Để không còn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, theo TS Nguyễn Tùng Lâm cần có 3 điều kiện, 3 yếu tố. Thứ nhất, phải có đủ trường và các trường có chất lượng tương đối đồng đều với nhau. Có như vậy mới không còn cảnh học sinh phải cố gắng đi học thêm để thi đỗ vào các trường điểm. Thứ hai, các thầy cô phải có cách thức rèn cho học sinh có năng lực tự học. Thứ ba, nhà nước phải bảo đảm quyền lợi của giáo viên. Giáo viên giúp học sinh thì giáo viên phải được hưởng quyền lợi và phải được trả công.

"Thông tư 29 quy định 3 đối tượng được dạy thêm trong nhà trường nhưng không thu phí. Nếu nhà trường không thu thì địa phương phải có ngân sách để bù chi phí cho nhà trường thì mới bảo đảm quyền lợi cho giáo viên. Hiện thông tư mới chỉ đề cập đến việc không được dạy thêm mà chưa quan tâm thỏa đáng quyền lợi của thầy cô giáo", TS Nguyễn Tùng Lâm nói.



Nguồn: https://danviet.vn/thong-tu-29-phu-huynh-con-nang-thanh-tich-thi-day-them-hoc-them-con-ton-tai-tieu-cuc-20250211074134792.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available