Thông tin trên được bà Lê Thụy Mỵ Châu – phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM – chia sẻ tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM diễn ra chiều nay 21-3.
Trường quốc tế AISVN cho học sinh tạm nghỉ học: Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Các phụ huynh đều có ý không muốn chuyển trường
Bà Lê Thụy Mỵ Châu cho biết Trường tiểu học, THCS, THPT quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) là trường tư thục trú đóng ở TP.HCM.
Khi tiếp nhận thông tin từ báo chí và phụ huynh, sở đã triển khai chỉ đạo các chuyên viên xuống trường để nắm tình hình có hay không việc giáo viên đình công.
Trường quốc tế AISVN có 129 giáo viên người nước ngoài, 26 giáo viên người Việt Nam. Ngày 4-3 chỉ 53 giáo viên nghỉ, nhưng họ báo với nhà trường lý do nghỉ là do bị bệnh. Hôm qua 20-3 có 85 giáo viên nghỉ. Có những thời điểm 18, 19 giáo viên nghỉ.
Sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 4-3, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lập biên bản. Ngày 11-3, sở mời hiệu trưởng Trường quốc tế AISVN lên làm việc để nghe báo cáo phương án sắp xếp học sinh khi giáo viên nghỉ dạy những ngày qua.
Bà Châu cho rằng với 1.213 học sinh đến từ nhiều tỉnh thành đang học tại Trường quốc tế AISVN nên chắc chắn câu chuyện này là lớn đối với thành phố.
“Sáng nay sở đã tiếp hơn 20 phụ huynh đến sở phản ánh. Các phụ huynh đều có ý không muốn chuyển trường mà mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi với chủ đầu tư để họ tiếp quản, điều hành nhà trường. Đây là điều vượt quá thẩm quyền của sở, vì chúng tôi chỉ đảm bảo quyền lợi dạy và học của học sinh”, bà Châu nhấn mạnh.
Chủ đầu tư cam kết trong một tuần sẽ mời được các quỹ đầu tư
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho hay tại cuộc làm việc, sở xác định rất rõ dù là trường tư thục nhưng hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về chuyên môn, phải đảm bảo kế hoạch dạy và học, đảm bảo việc giảng dạy cho học sinh.
Đồng thời phòng chuyên môn sở đã hướng dẫn và yêu cầu hiệu trưởng giám sát hoạt động chuyên môn, quản lý chặt chẽ chương trình dạy học; yêu cầu hiệu trưởng kịp thời báo cáo hội đồng trường, động viên hướng dẫn giáo viên thực hiện nhiệm vụ, quản lý sử dụng giáo viên người nước ngoài đúng quy định pháp luật.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã mời chủ đầu tư nhà trường để cam kết về tài chính. Đồng thời tổ chức các đoàn xuống làm việc với hội đồng trường. Qua các buổi làm việc của sở với hội đồng trường, chủ trường cho biết trường gặp khó khăn về tài chính từ hồi dịch COVID-19 đến bây giờ.
Họ cũng cho biết đang nhờ các quỹ đầu tư vào tái cấu trúc nhà trường. Chính vì vậy đã ảnh hưởng đến việc chi trả lương cho giáo viên người nước ngoài.
Giải pháp của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã báo cáo UBND TP.HCM và đưa ra các giải pháp xử lý.
Trong đó, giải pháp đầu tiên phải đảm bảo tình hình học tập cho học sinh. Với phụ huynh, sở thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh. Bên cạnh đó, sở còn lập tổ xử lý đơn thư.
Bà Châu cho biết thêm: “Sáng nay 21-3, chúng tôi đã lập biên bản, làm việc với hội đồng trường. Tại đây bà Nguyễn Thị Út Em, chủ tịch hội đồng trường Trường quốc tế AISVN, cam kết với sở là trong một tuần sẽ mời gọi được các quỹ đầu tư để có lộ trình, phương án giải quyết đảm bảo việc dạy và học từ nay đến cuối năm học. Và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu không thực hiện đúng cam kết”.
Cũng theo bà Châu, hiện nay ở thành phố -cũng có những trường dạy chương trình IB, trường cùng hệ thống quốc tế và trường công lập. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi đến các trường đề nghị các chủ trường, hội đồng trường, hiệu trưởng thực hiện cam kết giảng dạy cho học sinh.
Đối với các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục ngoài công lập tạo mọi điều kiện cho phụ huynh khi họ có nhu cầu chuyển trường. Đây là quyền lợi của học sinh phải đảm bảo ưu tiên trong thời điểm này.