Hai con vừa khai giảng được một tuần, chị Trịnh Ngọc My (39 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) nhẩm tính số tiền phải đóng góp đầu năm hơn 10 triệu đồng. Trong đó, tiền đồng phục chiếm khoản kha khá và số tiền này được thông báo ngay từ lúc các con chưa vào năm học mới.
Tiền đồng phục “ngốn” nửa tháng lương
“Đi họp phụ huynh chỉ thấy cô giáo liệt kê các khoản đóng góp, chưa bàn gì đến chuyện học hành của các con”, chị nói và cho biết vừa chi hơn 3 triệu đồng tiền đồng phục cho hai con lớp 6 và lớp 1.
Chị My liệt kê, với con học lớp 6, đồng phục gồm: 2 bộ quần tây áo trắng khoảng 600.000 đồng, đồng phục mùa hè 2 món hết 420.000 đồng, áo khoác mùa đông có giá 210.000 đồng/áo. Chưa kể đến đồng phục thể thao 250.000 đồng/bộ. Như vậy, chị phải bỏ hơn 1,6 triệu đồng tiền đồng phục cho con lớn.
Còn con trai lớp 1 mua đồng phục theo mùa, mỗi mùa tối thiểu 2 bộ mới đủ mặc, giá 210.000 đồng/bộ, riêng mùa đông chỉ có áo khoác. Thu nhập mỗi tháng của chị My chỉ 6 triệu đồng, thế nên với khoản đồng phục hơn 3 triệu đồng, “ngốn” mất một nửa lương của mẹ.
Chị nói số tiền nộp mua đồng phục “không phải là rẻ”, nhưng khi nhận trang phục cho con, chị còn phải mang ra tiệm sửa con mới mặc vừa. Không chỉ size quần áo không ổn mà chất lượng vải đồng phục cũng khó tương xứng với giá tiền bỏ ra.
“Đồng phục các trường không giống nhau nếu giá cả cao hay vải xấu, đường may sơ sài thì phụ huynh cũng đành ‘nhắm mắt làm ngơ’ mà mua cho con”, chị nói.
Trở về nhà sau buổi họp phụ huynh diễn ra vào cuối tuần vừa rồi – ngày 10/9, chị Nguyễn Minh Nguyệt (43 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thẫn thờ ngồi xem lại ảnh chụp các khoản phải đóng đầu năm của con. “Nộp xong tiền đầu năm là hết hẳn tháng lương của mẹ rồi”, chị nói.
Khoảng hai tháng nay, chị phải chắt bóp chi tiêu tối đa để tiết kiệm tiền đóng học đầu năm cho con gái lớp 3. Vợ chồng chị đều là lao động tự do nên số tiền đồng phục hơn 1 triệu đồng cũng là nhiều.
“Đồng phục có giá 250.000 đồng/ bộ theo mùa. Ngoài ra, kiểu dáng khá cầu kỳ, riêng biệt nên tôi không tìm thấy ở chợ, đành phải đăng ký mua tại trường dù biết giá cao“, phụ huynh nói và khẳng định, mẫu đồng phục thiết kế riêng như thế này sẽ bị lãng phí. Học sinh không mặc liên tục nên nhiều chiếc vẫn còn rất mới, không thể cho ai được vì khác mẫu mã.
“Với những gia đình đông con đi học hay phụ huynh làm tự do, thu nhập bấp bênh như nhà tôi thì đó thực sự là khoản tiền lớn”, chị than thở.
Ngoài tiền đồng phục, chị Nguyệt còn phải chuẩn bị khoản cho các danh mục cần chi trước khi con đến lớp, nào là chi phí sách giáo khoa, đồ dùng học tập, tiền đóng góp tự nguyện, xã hội hóa giáo dục. Thậm chí, chị Nguyệt còn phải vay tiền bạn bè mới đủ lo cho con học hành.
Đồng phục không nên quá cầu kỳ
Thạc sĩ Nguyễn Diệp Hà, chuyên viên Tham vấn tâm lý học đường, trường THCS Hoàn Kiếm cho rằng, đồng phục học sinh giúp các em bình đẳng và góp phần xây dựng hình ảnh của trường. Tuy nhiên, nhà trường nên điều tiết đồng phục hướng đến sự tiết kiệm, không quá cầu kỳ.
“Trường nên thống nhất, không thay đổi kiểu dáng đồng phục và ép học sinh phải mua kiểu mới vì như thế sẽ tạo gánh nặng cho phụ huynh, nhất là những gia đình không có điều kiện”, cô Hà nói. Thực tế, một số trường “vẽ” ra kiểu thiết kế mới không cần thiết. Chẳng hạn, đồng phục năm sau sẽ thêm một chi tiết nhỏ như đường kẻ, màu sắc hay thậm chí là thêm loại váy, quần, áo khác nhau.
“Đồng phục nhiều món đồ không cần thiết, nhất là với học sinh trường công. Phụ huynh cho con theo công lập với mong muốn giảm bớt gánh nặng tài chính, nhà trường nên có sự điều chỉnh đồng phục phù hợp với điều kiện của học sinh”, cô lý giải.
Trường có thể khuyến khích học sinh khóa trước tặng lại đồng phục cho các em khóa sau. Sau khi ra trường, các em thường không tái sử dụng đồng phục làm trang phục thường ngày, bỏ đi sẽ rất lãng phí. Cô Hà cũng gợi ý, tùy vào điều kiện thực tế để có thể cho học sinh không cần mặc đồng phục một số ngày trong tuần, trong tháng.
THI THI