Tham gia cộng đồng “Chia sẻ hành trình trưởng thành của con cùng RMIT”, nhiều phụ huynh kể lại câu chuyện đồng hành cùng con trên con đường trở thành “viên ngọc sáng”.
Các câu chuyện này được trích dẫn từ hoạt động cộng đồng trong Nhóm RMIT & Cha Mẹ, góp phần giải đáp nhiều câu hỏi điển hình xoay quanh ngôi trường quốc tế này như có phải RMIT chỉ dành cho con nhà giàu, học bao lâu mới “hoàn vốn” tiền học…
Chị Mai Thị Khoắn – mẹ em Trần Minh Khoa (sinh viên năm nhất ngành ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo) kể lại, khi con tốt nghiệp cấp 3 và được một trường đại học danh tiếng trao học bổng. Lúc đó, hai mẹ con phân vân nên chọn giữa RMIT hay chọn ngôi trường này.
“Nếu Khoa theo học RMIT, mình hầu như phải chi hết số tiền dành dụm bấy lâu”, chị Mai Thị Khoắn viết.
Cuối cùng, sau khi tham quan cả hai ngôi trường, tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất hiện đại, nghe chia sẻ về trải nghiệm học tập thực tế từ các đại sứ sinh viên, chị Khoắn và Minh Khoa quyết định chọn RMIT. Với điều kiện tài chính của gia đình, chị cho thuê nhà ở Vũng Tàu và lên TP HCM để đồng hành cùng con trên chặng đường trưởng thành này. Đồng thời, vì sợ mẹ vất vả, không đủ tiền đóng học phí, cậu con trai cũng còn làm nhân viên giao hàng mỗi khi có thời gian rảnh để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
“Kết quả các môn học của con luôn ở mức giỏi DI (70-79) và mức xuất sắc HD (80-100). Nhìn bức chân dung Minh Khoa âm thầm vẽ tặng sinh nhật mẹ năm nay và những dòng tâm tình con ghi trên thiệp, mẹ chợt nhận ra con của mẹ đã trưởng thành”, chị Mai Thị Khoắn chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, chị Thơm Vũ – mẹ em Vũ Thanh Hà (cựu Thủ khoa đầu ra ngành Truyền thông chuyên nghiệp) viết trong nhóm, dưới áp lực “trường chuyên, lớp chọn” những năm cấp 3 cùng với biến cố gia đình khiến con không thể đi du học, sự tự tin trong Hà dần bị bào mòn. Thế nhưng, gia đình đã có “sự lựa chọn hoàn hảo” là RMIT.
Trong chặng đường của Hà tại RMIT, chị nhận thấy con được là chính mình trong từng khoảnh khắc. Tuy theo học ở cơ sở Hà Nội, quy mô nhỏ hơn cơ sở Nam Sài Gòn, nữ sinh vẫn có lợi thế khi cộng đồng sinh viên thân nhau như gia đình, môi trường cởi mở, hỗ trợ, luôn bao dung và ủng hộ lẫn nhau. Từ đó, Thanh Hà cởi mở, thể hiện bản thân và các thế mạnh như sự chăm chỉ và óc sáng tạo…
Từ những thành tích nhỏ ban đầu như đạt điểm cao đến vai trò Tổng biên tập tạp chí sinh viên, đạt học bổng dành cho sinh viên xuất sắc, thủ khoa tốt nghiệp ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Hà dần lấy lại sự tự tin. Sau khi làm quen với môi trường học tập quốc tế ở RMIT, cô rất thích môi trường đa văn hóa ấy. Do đó, khi tốt nghiệp, cô chỉ tập trung nộp hồ sơ xin việc và đi làm ở các công ty đa quốc gia.
“Con gái mình có thẻ xanh định cư Canada và phần lớn là nhờ thành quả, nỗ lực có được nhờ quãng thời gian học tại RMIT. Mình tin kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã tích lũy tại trường sẽ giúp con chân cứng đá mềm, an yên và thành công tại đất nước lá phong”, chị Thơm Vũ cổ vũ con gái.
Cũng tham gia hoạt động cộng đồng, chị Thanh Nga – mẹ em Nguyễn Đức Anh (cựu sinh viên chuyên ngành Thương mại) cho biết, trong suốt ba năm học tại RMIT Hà Nội, con trai lớn ích cực tham gia câu lạc bộ Tổ chức sự kiện và thực tập, làm việc bán thời gian tại các công ty truyền thông nổi tiếng trong nước. Nhờ đó, em vừa có thu nhập, vừa tích luỹ kinh nghiệm và xây dựng các mối quan hệ.
Hầu hết sinh viên khi theo học tại đây đều có cơ hội tham gia chương trình thực tập kéo dài từ 12 tuần đến một năm tại một doanh nghiệp, nơi các em được làm việc thực sự. Sinh viên RMIT cũng được kết nối với với các cố vấn nghề nghiệp là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để nhận cố vấn về công việc, sự nghiệp…
“Vào năm 2022, con gái thứ hai của tôi cũng nối gót anh trai chọn học chuyên ngành Tâm lý học tại RMIT Hà Nội. Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ và hài lòng với quyết định của con. Vậy là một hành trình trưởng thành rực rỡ nữa của con tôi bắt đầu tại RMIT”, chị Nga nói thêm.
Câu chuyện của chị Trần Thị Nhi Hà – mẹ em Nguyễn Trí Hà Giang (cựu sinh viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn) cũng thu hút nhiều lượt tương tác. Chị chia sẻ, Giang mới nhận bằng tốt nghiệp vào ngày 9/4. Tuy nhiên, cô có công việc đúng chuyên môn từ tháng 11/2022, ngay sau kỳ thực tập tại một khách sạn lớn của thành phố. Nữ sinh vừa đi làm, vừa hoàn thành hai học kỳ và được thăng chức sau vài tháng làm việc.
“Nếu như ba năm trước tôi tin tưởng trao gửi cho Đại học RMIT ‘viên ngọc thô’. Giờ đây, tôi thật xúc động và vinh dự khi được RMIT trao lại ‘viên ngọc sáng'”, người mẹ viết.
Bên cạnh đó, chị Đỗ Thị Thanh Vân – mẹ của Lan Chi (cựu sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp) mang đến câu chuyện về hành trình theo học RMIT và tham gia học trao đổi tại Australia của con gái. Chị cho rằng, những trải nghiệm được học tập tại hai quốc gia đã giúp con gái trang bị kiến thức và phương tiện công nghệ hiện đại, bắt tay vào việc thực tế qua các dự án, kỳ thực tập.
Lan Chi cũng được tự lên kế hoạch và chủ động sắp xếp cuộc sống và công việc. Đây là cơ hội cho cô trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm thực tế và mở rộng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
“Mình hay trêu con cả thèm chóng chán nhưng hơn ba năm gắn bó ngành Truyền thông ở RMIT, mình chưa thấy con kêu chán bao giờ. Khoảng thời gian làm sinh viên truyền thông của con đã có cái kết tươi đẹp, cảm ơn RMIT và ngành Truyền thông đã giúp ’em bé’ nhà mình thành ’em lớn'”, chị Vân chia sẻ.
Nhật Lệ