Học sinh đi học thêm có nhiều lý do khác nhau nhưng tựu trung lại, áp lực kiểm tra, thi cử vẫn còn quá nặng nề, nhất là học sinh thuộc khu vực đô thị. Nếu không đi học thêm rất khó để học sinh có thể đậu vào các trường công lập, trường uy tín, chất lượng.
Tiền học thêm mỗi môn gấp hàng chục lần học phí các môn cộng lại
Một phụ huynh có con đang học lớp 10 một trường THPT chuyên tại An Giang chia sẻ nếu như không cho con đi học thêm rất khó để đậu vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Vì thế, ngay từ khi con mới vào lớp 6, gia đình đã phải gửi con đi học thêm môn toán và tiếng Anh.
Trong đó, riêng môn toán chỉ học với 1 thầy. Suốt 4 năm học thêm, học phí luôn dao động mỗi tháng từ 500.000-700.000 đồng (phụ thuộc vào số lượng học sinh) nên chỉ môn toán 4 năm thì gia đình phải chi hết 26 triệu đồng. Môn tiếng Anh học ít hơn nhưng học phí cũng hết mười mấy triệu cho 4 năm THCS. Trong khi, học phí cấp THCS suốt 4 năm ở tỉnh này cố định ở mức 540.000 đồng/năm.
Thực tế cho thấy, học sinh phổ thông hiện nay đang học thêm khá nhiều. Nhiều học sinh bắt đầu học thêm từ lớp 1 cho đến lớp 12 với nhiều môn học khác nhau, có em còn học thêm từ hè. Nói về nguyên nhân học thêm thì có rất nhiều. Một phần là do chương trình vẫn khá nặng, học sinh học trên lớp không lĩnh hội hết kiến thức vì mỗi tiết chỉ có 45 phút mà nhiều khi thầy cô còn phải thực hiện nhiều thủ tục như ổn định lớp, trả bài… Vì thế, giáo viên chỉ dạy được những kiến thức trọng tâm và không thể quan tâm hết được tất cả các đối tượng học sinh trong lớp.
Trong khi đó, tỷ lệ chọi của nhiều trường THPT ở khu vực thành phố những năm vừa qua thường rất cao. Chưa nói đến trường chuyên, chỉ các trường THPT khối công lập thì những học sinh trung bình gần như khó có cửa để vào vì gần như các địa phương chỉ tuyển vào lớp 10 công lập dao động trên dưới 70% số học sinh tốt nghiệp THCS. Vì thế, muốn đậu được vào công lập thì ngoài việc học sinh cố gắng ở lớp còn phải tranh thủ đi học thêm để tích lũy kiến thức.
Đó là chưa kể một số thầy cô đang dạy thêm dùng một số chiêu trò để kéo học sinh đến học thêm với mình tại nhà. Học sinh này đi học thêm sẽ kéo học sinh khác nên dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Quá tải đối với không ít phụ huynh
Việc dạy thêm hiện nay đang đem lại một khoản thu nhập lớn cho giáo viên, nhất là những giáo viên dạy các môn có liên quan đến thi cử. Mức tiền học thêm phụ thuộc vào khu vực học sinh ở, hiện nay ở khu vực đô thị ít nhất cũng 300.000 đồng/tháng với học sinh THCS. Nếu học sinh muốn học thêm nhóm thì mức học phí còn cao hơn rất nhiều. Những học sinh cấp THPT thường có mức học phí dao động từ 400.000-500.000 đồng/tháng, học 2-3 buổi/tuần.
Đối với những phụ huynh có điều kiện thì số tiền này cũng không phải là quá lớn nhưng nếu là những phụ huynh khó khăn, việc cho con học thêm mỗi tháng từ 2-3 môn thì chi phí học thêm cũng lên đến tiền triệu. Số tiền này sẽ trở nên quá tải đối với họ. Bởi, bên cạnh tiền học thêm thì học sinh còn phải đóng thêm nhiều khoản tiền trường và chi phí cho học tập khác nữa.
Chương trình nào học sinh cũng phải học thêm
Đối với Chương trình 2006, học và kiểm tra, thi cử theo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ yếu là giáo viên truyền thụ kiến thức cho học trò. Chương trình GDPT 2018 hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực cho người học. Nhưng chương trình nào học sinh cũng đang phải học thêm.
Mấu chốt của học thêm bên cạnh việc giáo viên cung cấp kiến thức cho người học còn có cả những bí quyết cho việc kiểm tra, thi cử. Hơn nữa, Chương trình 2018 hiện nay hướng đến phẩm chất, năng lực nên theo định hướng thì giáo viên đang giao nhiệm vụ học tập cho học trò trước khi học bài mới trên lớp.
Tuy nhiên, học sinh chưa học thì làm sao các em biết mà chuẩn bị sản phẩm học tập nên các em thường “chuẩn bị” ở lớp học thêm. Khi lên lớp, học sinh trình bày sản phẩm học tập, các bạn trong lớp trao đổi, nhận xét, sau đó, giáo viên chốt lại vấn đề là xong 1 hoạt động dạy và học.
Học sinh giỏi thì còn nắm bắt được bài, còn những học sinh trung bình, yếu kém thì rất khó khăn để lĩnh hội kiến thức. Bài vở thì thầy cô cũng ít ghi hơn trước đây. Vì thế, bắt buộc học sinh phải đi học thêm.
Đặc biệt, trong những môn liên quan đến các kỳ thi như ngữ văn thì hiện nay đang thực hiện hướng dẫn của Bộ GD-ĐT theo Công văn 3175 nên những tác phẩm văn học nào có trong sách giáo khoa thì không được dùng làm ngữ liệu cho kiểm tra, thi cử. Nói nôm na là kiểm tra, thi cử bằng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Vì thế, học sinh đi học thêm để làm quen với các dạng đề thi cuối cấp.
Muốn hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay cần phải có một chế tài cụ thể và đủ mạnh. Bên cạnh đó, ngành giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo cũng cần có những phương pháp giảng dạy phù hợp, tránh máy móc, hình thức. Việc kiểm tra, thi cử cần đổi mới triệt để và việc đánh giá, xếp loại học lực của học sinh cũng cần linh hoạt hơn bởi Thông tư 26 (áp dụng cho Chương trình 2006) và Thông tư 22 (áp dụng cho Chương trình 2018) vẫn khá nặng nề về điểm số, thành tích.