Phụ huynh lao vào trường đánh học sinh, thậm chí đánh cả thầy cô không còn là câu chuyện cá biệt.
Mới nhất là sự việc xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Khi con có mâu thuẫn với hai bạn học cùng khối và bị bạn đánh sưng một bên mắt, ông H.V.L. lao thẳng vào lớp đánh hai em học sinh kia.
Sự việc đã được giao cơ quan công an xử lý nhưng có một chi tiết cần chú ý là khi ông L. lao vào lớp học, bảo vệ và giáo viên chủ nhiệm của hai em học sinh cùng có mặt, lên tiếng can ngăn, yêu cầu phụ huynh bình tĩnh để nhà trường giải quyết.
Vậy nhưng, những “hàng rào” bảo vệ học sinh trong trường học này không có tác dụng khi phụ huynh vẫn có thể lao vào lớp đánh học sinh.
Đã rất nhiều sự việc, cánh cổng trường học, những lớp bảo vệ ở trường học bị vô hiệu hóa trước sự nóng giận của phụ huynh như vậy.
Đầu năm 2024, tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, TP Huế, Thừa Thiên Huế cũng là một sự việc cho thấy cánh cổng trường học “bất lực” trước phụ huynh.
Khi hai học sinh lớp 7 đánh nhau, giám thị đưa các em đến phòng truyền thống của trường để trao đổi, giải quyết sự việc.
Ngay đúng lúc đó, mẹ của một em sau khi nhận cuộc gọi của con đã lao thẳng từ nhà đến, vượt qua cánh cổng trường, vào phòng truyền thống rồi ra tay tát em học sinh mâu thuẫn với con mình.
Em học sinh ấy bị tát ngay trong trường học, ngay trong phòng truyền thống, ngay khi có mặt thầy cô.
Tại một trường mầm non ở Lào Cai từng xảy ra sự việc bé mầm non mới 2 tuổi bị “bố nhà người ta” đánh ngay trong lớp, ngay trước mặt nhiều giáo viên.
Khi đến đón con, thấy con khóc vì tranh giành đồ chơi với bạn, ông bố này đã lao vào lớp giật tóc, tát và dọa nạt bạn. Cảnh tượng đó diễn ra ngay khi có mặt 3 giáo viên của lớp.
Không chỉ học sinh mà giáo viên cũng có thể là nạn nhân của những “cái tát” đến từ chính phụ huynh. Ở đó, lớp bảo vệ ở trường học trở nên mong manh, yếu ớt trước sự hung hăng, mất kiểm soát từ phụ huynh.
Trong sự việc phụ huynh vào trường bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi xảy ra ở Long An gây sửng sốt dư luận trước đây cũng cho thấy các lớp bảo vệ ở trường học mong manh, yếu ớt trước sự hung hăng, mất kiểm soát của phụ huynh.
Không bàn đến đúng sai trong sự việc nhưng ở đó phụ huynh dễ dàng xông vào trường, đôi co với cô giáo. Đau lòng hơn, khi phụ huynh làm căng bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi, hiệu trưởng nhà trường cũng có mặt.
Sau lời nói “Cô không được quỳ” khi sự việc chưa được giải quyết ổn thỏa, hiệu trưởng rời khỏi văn phòng để lại cô giáo trẻ tuổi với vị phụ huynh đang mất kiểm soát.
Đó cũng là cái quay lưng của người đứng đầu để mặc phụ huynh và giáo viên của mình “tự xử”.
Thế rồi xảy ra sự việc cô giáo quỳ gối trước phụ huynh xin lỗi xưa nay chưa từng có gây chấn động.
Từ sự việc, vấn đề khi đó đã được trường này đặt ra là phụ huynh khi đến trường trao đổi, phản ánh sẽ không được vào thẳng vào trường học, lớp học. Phụ huynh chỉ đứng phía ngoài cổng, khi nào nhà trường đồng ý, phụ huynh mới được mời vào trao đổi.
Sau lời cảnh báo đó vẫn là hàng loạt vụ việc phụ huynh lao thẳng vào trường hành hung học sinh, giáo viên. Còn có cả sự việc phụ huynh vác dao vào trường bắt hiệu trưởng quỳ xin lỗi.
Có quá nhiều vấn đề cần nói từ những cái tát, nắm đấm của phụ huynh trong trường học. Nhưng ở góc độ trường học, một điều cần phải nhắc đến là ngay trong lớp học, ngay khi ở cạnh thầy cô, chưa chắc học trò đã được an toàn.
Bạo lực học đường giờ đây không chỉ là câu chuyện giữa học trò và học trò mà phức tạp không kém còn là giữa phụ huynh và học trò, giữa phụ huynh và giáo viên.
Bà Nguyễn Thu Yến, quản lý một trường tư thục ở TPHCM cho biết, khó khăn với trường học không chỉ là những áp lực hành chính, thanh tra kiểm tra từ các cấp quản lý, tâm lý phức tạp của học trò trong đời sống hiện đại mà giờ đây còn đến từ phụ huynh.
Có nhiều phụ huynh phó thác hoàn toàn con cho nhà trường, mặc kệ cuộc sống của con ở trường ra sao?. Nhưng chiều hướng ngược lại, nhiều người can thiệp một cách thô bạo vào mọi vấn đề của con, bênh con vô lối đến mức đánh mất đi sự tỉnh táo lẫn cả sự bao dung, cảm thông.
Theo bà Yến, giờ đây chính phụ huynh có thể trở thành mối nguy với học sinh, với trường học. Nhất là khi cánh cổng trường học chưa đủ năng lực để bảo vệ học sinh, giáo viên.
“Đây chính là thách thức với trường học hiện nay. Câu chuyện không phải là xây cánh cổng trường cao hơn, chắc hơn, ổ khóa lớn hơn nhằm tạo khoảng cách cứng với phụ huynh.
Vấn đề là làm sao để hai bên hiểu nhau, hợp tác với nhau, sẵn sàng đối thoại và cả thiết lập những giới hạn cần thiết giữa các bên cùng hướng đến mục tiêu giáo dục con trẻ”, bà Yến nêu quan điểm.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/phu-huynh-cam-nam-dam-lao-vao-truong-bao-ve-giao-vien-dung-do-bat-luc-20240927063454452.htm