Giống như “viên ngọc sáng” trong đêm, Phủ Chủ tịch sau khi lắp hệ thống chiếu sáng mới như “khoác chiếc áo mới” đặc biệt trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9.
Khi Hà Nội bước vào màn đêm cũng là lúc nhiều điểm di tích, công trình tỏa sáng với hệ thống chiếu sáng rực rỡ tạo nên cảnh tuyệt đẹp. Những ngày tháng 8 lịch sử, người dân và du khách qua đường Hùng Vương ấn tượng trước khung cảnh Phủ Chủ tịch mỗi buổi tối được trang hoàng bằng hệ thống chiếu sáng mới.
Nhìn từ xa, Phủ Chủ tịch như “một viên ngọc sáng” tô điểm thêm cảnh quan khu chính trị Ba Đình. Không kể ban ngày, mỗi tối có hàng trăm lượt người dân, du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, chụp ảnh Phủ Chủ tịch nổi bật trong đêm.
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, 70 năm Giải phóng Thủ đô, Văn phòng Chủ tịch nước đã trang hoàng Phủ Chủ tịch bằng hệ thống ánh sáng mới. Sau 36 giờ lắp đặt, hệ thống đèn chiếu sáng chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 26/8.
Với kiến trúc tòa nhà kiểu Pháp, hệ thống chiếu sáng mới sử dụng đèn hắt sáng vàng vẫn giữ nguyên màu sắc tòa nhà vào buổi tối nhưng vẫn làm nổi bật họa tiết, hoa văn, bố cục tòa nhà. Hệ thống chiếu sáng mới cũng mang tính nghệ thuật cao hơn, dù đứng từ xa vẫn có thể nhận thấy chi tiết, hoa văn và đường nét được chế tác tỉ mỉ đến từng góc cạnh.
Dù trong buổi tối nhưng Quốc huy, hoa văn tòa nhà khi được chiếu sáng hiện lên nổi bật, rõ nét.
Cùng với đó là tiểu cảnh, cây xanh trong khuôn viên Phủ Chủ tịch cũng được sử dụng hệ thống đèn ánh sáng trắng hắt lên từ đó giúp làm nền cho tòa nhà chính. Hệ thống chiếu sáng này được vận hành từ 18h30 đến 23h mỗi tối và chỉ được sử dụng trong các dịp đặc biệt, trọng đại của đất nước.
Sau khi đưa vào sử dụng, các lãnh đạo cấp cao, cán bộ, công nhân viên Văn phòng Chủ tịch nước và người dân cảm nhận Phủ Chủ tịch như “khoác một tấm áo ánh sáng mới” trang trọng nhưng cũng rất tinh tế và gần gũi.
Phủ Chủ tịch là nơi làm việc của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và những hoạt động quan trọng của Đảng và Nhà nước ta vẫn được tiến hành trọng thể ở đây.
Phủ Chủ tịch cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội và các điểm di tích khác xung quanh trở thành điểm tham quan không thể thiếu với đồng bào, chiến sĩ và du khách quốc tế mỗi khi thăm Thủ đô.
Nhìn lại lịch sử, ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ, Trung ương Đảng từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô. Theo giới thiệu của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trước kia đây là Phủ Toàn quyền, nhưng việc xây dựng nên công trình kiến trúc này là bàn tay của những người thợ Việt Nam. Bây giờ nhân dân được tự do, đất nước được độc lập, quyền làm chủ toà nhà phải thuộc về nhân dân”.
Người đề nghị sử dụng toà nhà làm nơi làm việc và tiếp khách của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam. Từ đó toà nhà được gọi là Phủ Chủ tịch.
Phủ Chủ tịch trở thành một trong những di tích lưu niệm về Người được Nhà nước xếp hạng là di tích đặc biệt quan trọng. Hiện nay, tòa nhà này là nơi làm việc của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước, những hoạt động đối nội, đối ngoại có ý nghĩa quan trọng của Đảng và Nhà nước ta vẫn được tiến hành trọng thể ở đây.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/phu-chu-tich-khoac-chiec-ao-anh-sang-moi-2316553.html