Tục làm bánh Dày của người H’Mông ở Sơn La là một nét văn hóa truyền thống mang tính đặc sắc rất riêng. Bánh dày không chỉ để thờ cúng tổ tiên, vào các dịp lễ tết, cưới hỏi mà còn là món ăn đãi khách, làm quà cho khách đến thăm nhà.
Để tìm hiểu về phong tục này, mời quý vị cùng tác giả Đỗ Thu Quyên về thăm đồng bào dân tộc H’Mông ở Sơn La để trải nghiệm quy trình làm bánh dày, thông qua bộ ảnh ” Phong tục giã bánh dày của người H’Mông”. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Những người thực hiện việc giã bánh bao giờ cũng là những chàng trai người Mông khỏe mạnh, dẻo dai. Mỗi lượt giã sẽ có 2 người,khi mệt thì lại chuyển cho 2 người khác giã thay. Giã càng kỹ thì bánh dày làm ra càng dẻo, ngon và để được lâu. Công đoạn nặn bánh dày cần đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ.
Bánh dày của người Mông được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp nương thơm và dẻo. Khi đã chọn được gạo ưng ý, gạo mang vo cho sạch rồi ngâm bằng nước ấm khoảng 12 giờ rồi vớt ra để ráo nước mới cho vào chõ để đồ xôi. Chõ xôi được làm bằng gỗ để khi xôi chín không bị mất hương thơm của nếp nương, dẻo lại không bị nát.
Người Mông quan niệm: Hai cái bánh dày tròn là tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Những tâm tư, nguyện vọng, ước muốn của con, cháu trong năm mới sẽ được gửi gắm trong chiếc bánh dày tròn trịa và được dâng lên tổ tiên. Chiếc bánh dày đồng thời cũng là biểu tượng cho tình yêu,sự thủy chung son sắt của trai, gái người Mông.
Khi xôi được giã xong là lúc các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời như truyền thuyết để lại. Với người Mông, bánh dày không chỉ là món ăn quen thuộc mà nó còn giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh. Khi dâng bánh dầy cúng tổ tiên phải dâng 2 cái bánh. Điểm khác biệt của chiếc bánh dày dâng cúng phải là bánh dày không có nhân bên trong, không dùng các loại gia vị.
Bánh dày không chỉ là món ăn đãi khách mà còn làm quà cho khách đến thăm nhà. Dù để lâu ngày bánh vẫn dẻo thơm, khi ăn thường nướng trên than hồng hoặc cắt thành miếng nhỏ rồi rán bằng mỡ lợn cho phồng lên, tạo một mùi thơm hấp dẫn./.
Vietnam.vn