LƯU Ý VỚI THỰC PHẨM BAO GÓI KÍN THỦ CÔNG
Liên quan đến các trường hợp được chẩn đoán ngộ độc botulinum gần đây, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho hay từ năm 2020 và ngay đầu năm nay, khi một số địa phương có ca ngộ độc nặng do botulinum, Cục đã liên tục có văn bản đề nghị Ban Quản lý ATTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh thành đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, đình chỉ hoạt động những cơ sở gây ra ngộ độc, cơ sở sản xuất, kinh doanh không đủ điều kiện, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Lỡ mất ‘thời gian vàng’ giải độc botulinum, hai bệnh nhân đang diễn biến xấu
Cục đặc biệt lưu ý địa phương cần tăng cường cung cấp các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân; chú trọng hướng dẫn người dân không bao kín thực phẩm để tránh xuất hiện các độc tố trong môi trường yếm khí. Hạn chế sử dụng thiết bị đóng túi hút chân không tạo điều kiện môi trường yếm khí thuận lợi cho vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum) phát triển. Người dân chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ an toàn, được chế biến, bảo quản đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
TĂNG CƯỜNG ĂN CHÍN UỐNG SÔI
Theo Bộ Y tế, ngộ độc botulinum thường có nguyên nhân là ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố này do vi khuẩn C.botulinum sinh ra.
Vi khuẩn C.botulinum tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau. Trong môi trường bất lợi, chúng tạo lớp vỏ bọc (nha bào). Khi gặp môi trường thuận lợi, có dinh dưỡng và đặc biệt trong môi trường thiếu không khí, các nha bào này phá vỡ vỏ bọc, phát triển và sinh độc tố. Do vậy, sử dụng thực phẩm không đảm bảo ATTP được đóng hộp, bao gói kín, dễ có nguy cơ ngộ độc botulinum nhất. Các loại thực phẩm như rau củ quả, hải sản… cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn C.botulinum nếu không đảm bảo ATTP và được ủ, bọc kín.
Các loại thực phẩm phổ biến dễ gây ngộ độc botulinum là các thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo.
Đặc biệt, xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, không đun chín kỹ thức ăn trước khi ăn.
Từ chuyện thiếu thuốc giải độc botulinum, đề xuất cơ chế mua dự trữ thuốc hiếm
BIẾN CHỨNG LIỆT TOÀN BỘ CƠ
Theo Bộ Y tế, triệu chứng chính khi bị ngộ độc botulinum là liệt đối xứng hai bên lan xuống. Người bệnh có thể liệt toàn bộ các cơ với mức độ khác nhau, dù vẫn tỉnh táo. Ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp gây tử vong.
Ngộ độc do botulinum tỷ lệ tử vong cao, có thể gây liệt kéo dài. Với ca thở máy, thời gian trung bình khoảng 2 tháng mới có thể cai thở máy, và bệnh nhân cần nhiều tháng sau đó để phục hồi.
Ngộ độc botulinum còn gây các biến chứng khác do phải điều trị kéo dài như: nhiễm trùng bệnh viện, viêm phổi và các biến chứng của thở máy; các biến chứng do bất động, nằm kéo dài, loét; liệt ruột, táo bón, trào ngược, sặc phổi.
Độc tố của C.botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của các vi khuẩn khác, chịu được môi trường a xít nhẹ của dạ dày nhưng mất tác dụng bởi kiềm và nhiệt độ cao 120 độ C trong 5 phút, 80 độ C trong 10 phút, hoặc đun sôi trong vài phút.
Vi khuẩn C.botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Các thực phẩm đóng hộp, bao gói kín được chế biến thô sơ rất dễ nhiễm khuẩn C.botulinum. Các thực phẩm đóng hộp công nghiệp thường sử dụng nitric để ức chế độc tố botulinum.
(Nguồn: Bộ Y tế)