Đã hơn một tháng kể từ khi trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Mặc dù được cấp cấp chính quyền và đồng bào cả nước quan tâm, hỗ trợ nhưng những đau thương, mất mát của nhiều hộ dân dường như vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Với tinh thần tương thân tương ái, chỉ ít ngày sau cơn lũ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã phối hợp với chính quyền địa phương chung tay tái thiết lại thôn Kho Vàng, với mong muốn làm dịu nỗi đau cho những gia đình mất nhà, mất người và thắp lên niềm hy vọng cho nhiều hộ dân khác… Trở lại Kho Vàng lần này, chúng tôi đã cảm nhận được điều đó…
Có những đoạn đường phóng viên PetroTimes chỉ có thể bám sát vách mà đi, đường trơn trượt, dốc kéo dài cả gần chục km.
Trở lại chốn cũ
Đường đến thôn Kho Vàng cũ nằm vắt vẻo chạy dài bên cạnh sông Chảy, hai bên là những cánh rừng quế rậm rạp; nếu không bị sạt lở thì rất có thể con đường này cũng rất đẹp không kém cung đường từ thành phố Hà Giang lên thị trấn Đồng Văn.
Những điểm sạt lở liên tục xuất hiện trên đường vào thôn Kho Vàng cũ.
Trưởng thôn Ma Seo Chứ đưa tôi vào thôn cũ bằng xe máy, nhưng chỉ được khoảng 2km thì phải bỏ lại xe để đi bộ. Chúng tôi leo qua những điểm sạt lở chỉ bằng những đầu ngón chân, sơ sẩy một chút là có thể rơi xuống vực.
Nhưng nguy hiểm hơn cả là nguy cơ sạt lở vẫn treo lở lửng ngay trên đầu. Những tảng đá to như cái ô tô nằm đó, bóng loáng lồ lộ dưới nắng trưa, cảm giác như chỉ cần một tác động rất nhỏ có thể làm nó rơi xuống bất cứ lúc nào.
Con đường nằm ven sông Chảy với nhiều bùn lầy, rất khó đi.
Ma Seo Chứ thi thoảng ngoái lại hỏi “anh đi được chứ?”. Mà kỳ lạ thay, trong suốt quãng đường gần chục cây số cuốc bộ, đôi bàn chân người trưởng thôn trẻ gần như không bị bám bùn đất! Trong khi nhìn lại mình thì nhem nhuốc từ đầu đến chân!
Được biết, thôn Kho Vàng được sát nhập từ thôn Bản Vàng và thôn Kho Lạp. Đồng bào dân tộc ở đây chủ yếu là người Dao và người Mông…
Đây chính là nơi chúng ta được chứng kiến bản lĩnh, ý chí, trách nhiệm của người lãnh đạo – trưởng thôn Ma Seo Chứ. Kể lại khoảng thời gian dẫn mấy chục hộ dân đi “chạy lũ”, Chứ chỉ cười bảo “có gì đâu anh, mình thấy nguy hiểm thì mình báo cho bà con thôi, cũng phải vận động ghê lắm vì bà con dân tộc cả đời có được cái nhà, ruộng vườn… bây giờ bảo bà con bỏ đó mà đi thì khó lắm.”
Mặc dù khu vực xóm Thượng của thôn Kho Vàng là nơi chúng tôi đến không có thiệt hại gì đáng kể về người và của nhưng ở đây gần như bị chia cắt với bên ngoài bởi những điểm sạt lở lớn nhỏ dọc đường đi.
Đường vào thông cũ rộng khoảng 3,5 mét dài gần chục km mới hoàn thiện hơn 1 năm đã bị phá hủy gần như toàn bộ, việc khắc phục không hề dễ dàng và sẽ mất rất nhiều thời gian.
Ma Seo Chứ cũng như nhiều bà con thôn Kho Vàng vẫn chưa hết bàng hoàng và đau xót sau vụ sạt lở hôm đấy. “Vẫn còn có bà con ở dưới kia không tìm được anh ạ!” Ma Seo Chứ nghẹn ngào chỉ xuống sông Chảy đục ngầu.
Vụ sạt lở đã cuốn trôi gần như toàn bộ căn nhà của chị Trương Thị Hoa và người chồng của chị đến nay vẫn chưa tìm thấy. Nhà có thể làm lại nhưng đau thương có lẽ phải mất rất lâu nữa mới được chữa lành.
Những đứa trẻ còn ở lại thôn Kho Vàng cũ cùng gia đình sắp tới đây sẽ được đến nhà mới ở khu tái định cư do Petrovietnam và chính quyền tỉnh Lào Cai phối hợp xây dựng; khang trang hơn, sạch đẹp hơn và trên hết là an toàn hơn.
Thắp lên hy vọng mới
Không xa thôn cũ, điểm tái định cư mới của hơn 40 hộ dân thôn Kho Vàng cũ nằm trên hai quả đồi với tổng diện tích hơn 2,5 héc ta, gần đường giao thông, gần trường mầm non và trụ sở UBND xã Cốc Lầu hơn trước.
Trước mắt chúng tôi là một “đại công trường” với nhiều công nhân, xe cộ ngày đêm thi công với tinh thần “vượt nắng thắng mưa” làm hết việc chứ không hết ca, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ theo đúng chỉ đạo của Tỉnh uỷ Lào Cai và mong muốn của Petrovietnam để bà con có chỗ ở mới vào cuối tháng 12 tới đây.
Trao đổi với PetroTimes, anh Đỗ Thành Luân, cán bộ phụ trách lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội xã Cốc Lầu cho biết, hiện nay hệ thống đường sá, điện nước tới đây vẫn còn khó khăn do địa hình đồi núi, nhiều dốc cao và đặc biệt thời tiết chưa được thuận lợi, mưa nhiều gây khó khăn. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, các công nhân vẫn tận dụng từng giờ, từng phút vận chuyển vật liệu và tiến hành thi công các hạng mục.
Đường vào khu vực tái định cư mới thôn Kho Vàng là những con dốc dựng đứng, trơn tuột. Hiện nay việc hoàn thiện hệ thống điện, đường và nước cùng các hạng mục khác đang được làm song song, không để trống một khoảng thời gian nào trong ngày.
Để sinh hoạt tại công trường, các công nhân phải trực tiếp kéo đường điện, nước từ trên núi và nhà dân ở gần nhất đến lán.
Nguồn nước duy nhất để sinh hoạt của các công nhân tại đây được kéo từ dòng suối cách đó khoảng hơn 1km.
Anh Đỗ Thành Luân cho biết, việc thi công tại đây không dễ dàng đặc biệt là phần móng bởi đất ở đây mềm, những khi đã hoàn thiện xong phần móng thì chỉ mất từ 10 đến 15 ngày để hoàn thiện phần khung nhà. Toàn bộ kinh phí thực hiện việc tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng từ nguồn quỹ an sinh xã hội, người lao động Dầu khí tự nguyện đóng góp và làm việc ngày thứ Bảy tình nguyện.
Vật liệu được chuyển lên bằng xe tải hoặc xe máy, những đoạn nào xe không đi được thì công nhân sẽ phải gùi lên. Đến đây mới biết và hiểu được việc xây nhà ở vùng cao khó khăn, vất vả thế nào, từng khối cát, từng bao xi măng là mồ hôi thậm chí cả máu của từng công nhân.
Hiện nay có khoảng 115 người dân thôn Kho Vàng được bố trí ở tại khu vực phía sau UBND xã Cốc Lầu cho đến khi khu tái định cư mới được hoàn thiện. Theo đó, mỗi căn hộ sẽ rộng khoảng hơn 200 mét vuông cùng nhiều công trình phụ trợ, phục vụ đời sống của người dân.
Chia tay chúng tôi, trưởng thôn Ma Seo Chứ vô cùng xúc động thay mặt bà con trong thôn cảm ơn sâu sắc nhân dân cả nước, các cấp chính quyền và Petrovietnam đã quan tâm, hỗ trợ tận tình trong suốt thời gian qua.
Trưởng thôn trẻ cũng khẳng định quyết tâm của anh cùng bà con trong thời gian ngắn nhất khôi phục đời sống sản xuất, vững tâm sinh sống tại thôn mới.
Bài, ảnh: Phong Sơn
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/38612ace-30e6-4720-b976-0cef8fe1a0c2