Do xảy ra mâu thuẫn trong khi đi dã ngoại với một nhóm học sinh ở xã Vĩnh Hưng mà trưa ngày 11-5, Đỗ Văn T. (sinh năm 2004) đã rủ bạn bè tìm nhóm học sinh ở xã Vĩnh Hưng để giải quyết. Khi đến khu 3, thị trấn Vĩnh Lộc, T. và các bạn gặp nhóm học sinh của xã Vĩnh Hưng nên đã chặn lại và đánh nhóm học sinh này, làm 2 người bị thương. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Lộc vừa khởi tố bị can đối với 11 đối tượng gây rối trật tự công cộng trong vụ việc nêu trên. 11 đối tượng bị khởi tố đều là những thanh niên có tuổi đời còn rất trẻ, trong đó có 3 người sinh năm 2004, 5 người sinh năm 2005, 2 người sinh năm 2006 và 1 người sinh năm 2007.
Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông thanh niên, học sinh, sinh viên.
Trước đó, sáng 28-4, tại một lớp học ở Trường THPT Đông Sơn 1, huyện Đông Sơn, do có mâu thuẫn nảy sinh trong lớp học, nam sinh sinh năm 2006 N.H.D. đã dùng dao (mang theo từ trước) chém nhiều nhát vào người bạn học cùng lớp là Đ.V.M. Hậu quả là M. bị thương nặng và phải đi cấp cứu… Vụ việc gây náo loạn lớp học, làm nhiều người bàng hoàng bởi tính chất nghiêm trọng khi một học sinh tấn công bạn ngay tại phòng học.
Những vụ việc nêu trên tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường đang diễn biến ngày càng phức tạp; cũng là bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh, nhà trường. Qua phân tích các vụ việc học sinh gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí là các vụ án giết người, các cơ quan chức năng nhận định, điểm chung của các vụ việc xuất phát hành vi từ sự bộc phát, thiếu kiềm chế, thiếu kỹ năng sống của nhiều thanh, thiếu niên. Cùng với việc có sẵn các vật nhọn, hung khí trong người nên các em đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Vừa qua, Công an tỉnh đã huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo, ban giám hiệu các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên – dạy nghề trên địa bàn tỉnh mở đợt ra quân, đồng loạt tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật của học sinh khi đến trường. Mục đích của đợt ra quân kiểm tra lần này là chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời học sinh vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, ngăn chặn tội phạm bên ngoài xâm nhập vào trường học.
Bước đầu, qua kiểm tra 631 trường THPT, THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên – dạy nghề trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 152 dao, kéo các loại, 27 côn nhị khúc, gậy ba khúc, tuýp sắt, gậy gỗ, 24 đồ chơi nguy hiểm, 23 kìm, cờ lê, tua vít, búa; 91 máy hút và 16 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử, 10 gói thuốc lá. Phát hiện 2 học sinh tàng trữ cần sa, 5 ná cao su bắn đạn bi, 36 viên bi sắt và nhiều đồ dùng khác không liên quan đến dụng cụ học tập. Kiểm tra phương tiện của học sinh, lực lượng công an phát hiện 392 học sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số huyện, thị xã lái xe máy trên 50 phân khối đến trường. Lực lượng công an đã tạm giữ toàn bộ tang vật và làm việc với các học sinh để xác minh, làm rõ, đồng thời phối hợp với nhà trường và gia đình để tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn các hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Kim Duy Cương, Phó trưởng Công an TP Thanh Hóa, cho biết: Qua kiểm tra cho thấy số lượng học sinh, thanh, thiếu niên sử dụng chất kích thích, mang theo các đồ vật cấm đến trường nhiều, điều này khiến tình hình trật tự khu vực trường học phức tạp. Với việc mang các đồ vật cấm, nguy hiểm bên người thì chỉ cần xảy ra mâu thuẫn nhỏ trong lớp học, trên đường đi là các em có thể bộc phát sử dụng để gây án, gây nên hậu quả nặng nề mà chính các em cũng chưa thể lường hết được.
Việc ngăn chặn kịp thời các em học sinh mang vật cấm, hung khí đến trường chỉ là một trong rất nhiều giải pháp phòng ngừa nhằm ngăn ngừa kéo giảm các vụ bạo lực học đường và tội phạm thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc tình trạng này, không chỉ trông chờ vào ngành công an hay ngành giáo dục mà trước hết là sự quản lý, đồng hành cùng các em từ phía gia đình.
Trợ giúp viên pháp lý Lê Thị Thu Vân, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, người thường xuyên tham gia TGPL cho các đối tượng chưa thành niên trong các vụ án hình sự, chia sẻ: Cùng với sự phát triển của xã hội, mối liên kết trong gia đình lỏng lẻo, mặt trái của cơ chế thị trường, những cám dỗ của cuộc sống hiện đại đã khiến tội phạm là thanh, thiếu niên, nhất là ở nhóm người chưa thành niên có chiều hướng gia tăng. Trong đó, có rất nhiều vụ việc xảy ra chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ mà nhiều người chưa thành niên đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, thậm chí là những vụ án giết người. Ở độ tuổi “nổi loạn” của các bị cáo, phần lớn đều đang tìm cách chứng tỏ bản thân, khi xảy ra mâu thuẫn thì có khuynh hướng giải quyết bằng bạo lực. Nếu các em không có sự quan tâm, định hướng đúng đắn, thường xuyên từ phía gia đình, người thân, thầy cô giáo thì rất dễ đi “lạc” đường. Vì vậy, các giải pháp phòng ngừa xã hội để kiềm chế thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật là vô cùng quan trọng. Thông qua các vụ việc vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên diễn ra thời gian gần đây cho thấy, việc giáo dục đạo đức, nhân cách, trang bị kỹ năng sống, kiến thức cơ bản về pháp luật phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của các em là hết sức cần thiết. Các gia đình, nhà trường phải chú trọng quản lý, giám sát thời gian, mức độ sử dụng tivi, điện thoại, mạng xã hội, phương tiện giao thông đối với các em, đặc biệt là tình trạng sử dụng rượu, bia, chất kích thích… để kịp thời ngăn chặn các hành vi lệch chuẩn, không để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật. Đối với cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các đối tượng là thanh, thiếu niên trong việc điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo quy định về độ tuổi; xử lý nghiêm các hành vi giao xe mô tô, gắn máy cho thanh, thiếu niên tham gia giao thông đường bộ không đúng quy định. Cùng với đó, các lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống, quán karaoke, quán internet…; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm đối với người dưới 18 tuổi, xây dựng các chương trình giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm bổ ích trong nhà trường, định hướng nghề nghiệp cần thiết cho lứa tuổi này.
Bài và ảnh: Minh Hiền