Rối loạn tiêu hóa là bệnh thường gặp vào mùa nắng nóng ở mọi lứa tuổi, gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa thức ăn, sức khỏe của người bệnh. Đáng lưu ý, trẻ em mắc rối loạn tiêu hóa lâu ngày dễ dẫn đến tình trạng hấp thu kém, suy dinh dưỡng và chậm phát triển trí tuệ.
BS.CK2 Trương Cẩm Trinh- Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đưa ra những tư vấn giúp gia đình có trẻ nhỏ có thể nhận biết rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, phương pháp điều trị và dự phòng căn bệnh này.
* PV: Xin BS cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn đường tiêu hóa?
– BS.CK2 Trương Cẩm Trinh: Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ là do sức đề kháng yếu, nhất là đối với trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không bú sữa mẹ hoàn toàn; do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, môi trường sống bị ô nhiễm; trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, hệ vi sinh chưa hoàn thiện, chưa quen với việc tiêu hóa thức ăn (thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển); chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn nhiều đạm, nhiều đường, ít chất xơ, ít vitamin và khoáng chất
Mặc khác, khi chuyển mùa nhiệt độ thay đổi ảnh hưởng chất lượng thức ăn, khiến cho thức ăn dễ bị ôi thiu. Thời điểm này là điều kiện thời tiết lý tưởng cho các loại virus, nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh tả, thương hàn, lỵ… phát triển mạnh, có thể xâm nhập vào cơ thể làm nhiễm khuẩn đường ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Do đó, khả năng trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa thời gian này rất cao.
Ngoài ra, vào thời điểm này, cơ thể bé có thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của thời tiết nên hệ miễn dịch rất dễ bị tấn công. Trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm đường hô hấp, cảm cúm, ho, sốt, đau họng…… Khi đó, cha mẹ có xu hướng cho con sử dụng thuốc tây để điều trị. Việc sử dụng thuốc điều trị trong thời gian dài có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi.
*PV: Khi bị rối loạn tiêu hóa thì trẻ sẽ có những biểu hiện gì? Và trong trường hợp nào thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện, thưa bác sĩ?
– BS.CK2 Trương Cẩm Trinh: Khi thấy trẻ có dấu hiệu hoặc các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa xem xét, đưa ra chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh cũng như phương pháp điều trị đúng đắn. Cha mẹ hoặc người thân không nên tự ý cho trẻ uống các loại thuốc kháng sinh, thuốc đau bụng hoặc tiêu chảy – táo bón mà không thông qua chỉ định bác sĩ, có thể khiến bệnh tình của bé nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng sức khỏe sau này.
Phần lớn trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể tự điều trị tại nhà với nguyên tắc: uống nhiều hơn để ngừa mất nước, ăn nhiều hơn để có sức, mau phục hồi niêm mạc và tăng trưởng. Trong trường hợp cần đưa đi bác sĩ khám, không chủ quan như:
– Trẻ sinh non, có bệnh mạn tính, hay đang bị nhiều bệnh cùng lúc
– Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C
– Khi trẻ vẫn còn đi ngoài do tiêu chảy quá 3 ngày
– Không ăn uống được, ói hoặc đi tiêu nhiều lần trong ngày, liên tục
– Đau bụng, quấy khóc nhiều
– Các triệu chứng mất nước (lừ đừ , mệt mõi, da khô, mắt trũng, nước tiểu ít, …)
– Không ăn uống được, nôn ói nhiều lần
– Đi tiêu lẫn máu.
*PV: Thưa bác sĩ, mùa nắng nóng, thực phẩm dễ bị hư hỏng, rất khó bảo quản. Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, phụ huynh cần làm gì?
– BS.CK2 Trương Cẩm Trinh: Để tránh cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, các bậc phụ huynh phải chú ý: Không nên cho trẻ ăn quá sớm, chỉ nên cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 4 – 5 tháng tuổi, nuôi trẻ bằng sữa mẹ đến 18-24 tháng tuổi; sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: “ăn chín, uống sôi”, không ăn các thức ăn sống, không rõ nguồn gốc; giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách và thường xuyên, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; tạo môi trường nhà cửa xung quanh bé sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh nhà tiêu sạch sẽ, thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi của trẻ em, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Hạn chế lây lan mầm bệnh, bằng cách không đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thì nên đưa trẻ để bệnh viện để các bác sĩ tiến hành kiểm tra, chẩn đoán chính xác bệnh, nguyên nhân gây bệnh, từ đó có phương án điều trị chính xác và hướng dẫn các dấu hiệu nguy hiểm cần đến khám ngay. Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy… có thể không đạt hiệu quả điều trị mà con gây hại cho trẻ.
Bệnh nhi điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. |
Có chế độ ăn uống phù hợp theo lứa tuổi, đa dạng thực phẩm, chú ý cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin. Đối với trẻ đang bệnh đường tiêu hóa, tiếp tục bú sữa mẹ nếu trẻ đang bú, nên chọn các thức ăn dễ tiêu hóa, hạn chế dầu mỡ, thức ăn nấu cho trẻ cần được nấu kỹ, nhuyễn, chia thành nhiều lần trong ngày.
* Xin cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian trả lời cuộc phỏng vấn này!
THÚY QUYÊN (thực hiện)