Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Công điện số 05/CĐ-TTg về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2025.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Công điện số 05/CĐ-TTg về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2025.
Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2025
Công điện này gửi tới các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và các tổ chức như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam.
Ảnh minh họa. |
Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân là dịp nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, trong khi các khu vực lễ hội đông đúc, tập trung nhiều người tham gia. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm và các vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm và ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm một cách đồng bộ và hiệu quả.
Các nhiệm vụ trọng tâm trong bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết 2025, Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thươn cần tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Cần kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bộ Y tế: Chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm. Chuẩn bị phương án cấp cứu, giường bệnh, và phương tiện để sẵn sàng ứng phó với các sự kiện đông người.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn nông dân và các cơ sở sản xuất thực phẩm về các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như giò, chả, rau, quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bộ Công Thương: Kiểm soát sản xuất và kinh doanh rượu, bia; tăng cường phòng chống thực phẩm giả và gian lận thương mại, chú trọng các mặt hàng tiêu dùng cao trong dịp Tết và lễ hội xuân.
Bộ Công an và Bộ Quốc phòng: Các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan, và quản lý thị trường cần phối hợp kiểm soát ngăn chặn việc nhập khẩu thực phẩm trái phép qua biên giới. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, vận chuyển và buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Bộ Thông tin và Truyền thông: Tăng cường tuyên truyền thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Cần giới thiệu các điển hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và các sản phẩm truyền thống, cùng với cách nhận diện và phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Các tổ chức xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tham gia vào công tác truyền thông và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khu dân cư. Các tổ chức này cũng có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.
UBND tỉnh, thành phố: Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cho nhân dân, vận động thay đổi các tập quán ăn uống lạc hậu trong dịp Tết và lễ hội.
Cần nhắc nhở người dân không ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không ăn thịt gia súc, gia cầm chết, không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự ngâm các loại cây, củ, rễ, nội tạng động vật, tránh tình trạng ngộ độc rượu methanol.
Các địa phương phải kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, đặc biệt là các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, mứt, bánh, kẹo, rượu, và các thực phẩm khác. Đồng thời, cần kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại các khu lễ Tết và lễ hội xuân.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm quy mô lớn trên địa bàn của mình. Vì vậy, cần phải có phương án xử lý sự cố hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người dân trong suốt mùa lễ Tết và lễ hội xuân.
Tăng bệnh nhân khám tim mạch trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
Theo thông tin từ một cơ sở y tế TP.HCM, ghi nhận lượng bệnh nhân khám tim mạch tăng mạnh, với mức tăng lên tới 30% trong vòng hai tuần qua. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân chủ động đến khám để chuẩn bị thuốc men trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, phòng tránh những biến chứng bệnh lý trong và sau kỳ nghỉ lễ.
Việc tăng số lượng bệnh nhân khám tim mạch cho thấy người dân đang có ý thức cao trong việc chủ động kiểm soát sức khỏe tim mạch, đặc biệt là vào dịp Tết.
Trong đó, chị Hải (Bình Chánh, TP.HCM) là một trong những trường hợp đáng chú ý. Mẹ chị, bà Nghi, 72 tuổi, bị tăng huyết áp và rung nhĩ, đã từng gặp phải sự cố sức khỏe nghiêm trọng vào Tết năm ngoái.
Lý do là chị không chú ý tới lịch tái khám của mẹ mình, khiến bà hết thuốc trong dịp nghỉ Tết và phải ngừng uống thuốc. Hậu quả là vào mùng 3 Tết, bà Nghi bị đột quỵ nhồi máu não.
May mắn là được cấp cứu kịp thời, bà Nghi đã hồi phục hoàn toàn mà không bị di chứng. Năm nay, chị Hải đã đưa mẹ đi khám sớm để chuẩn bị đủ thuốc cho hai tháng tới.
Một trường hợp khác là anh Tân, 45 tuổi, từ Kiên Giang, là một trường hợp khác đi khám trước hẹn. Anh Tân phát hiện rối loạn mỡ máu nửa năm trước và đã điều trị theo chỉ định của bác sỹ. Tuy nhiên, trong lần tái khám, bác sỹ phát hiện thêm anh bị loạn nhịp tim.
Anh Tân đã được kiểm tra kỹ hơn và phát hiện bị rung nhĩ, một nguyên nhân chính gây ra các biến chứng như đột quỵ, suy tim, hoặc thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. May mắn là anh đã đến khám sớm, kịp thời phát hiện và được kê thuốc kháng đông ngừa đột quỵ.
Theo chuyên gia tim mạch, PGS-TS.Phạm Nguyễn Vinh việc đột ngột ngừng thuốc, đặc biệt là các thuốc điều trị bệnh tim mạch như thuốc chống đông, thuốc huyết áp, thuốc điều trị suy tim hay thuốc điều hòa nhịp tim, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, hoặc thậm chí đột tử.
Thực tế, trong và sau dịp Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện vì các biến chứng tim mạch tăng cao, phần lớn là do người bệnh chủ quan và không chuẩn bị đầy đủ thuốc cho kỳ nghỉ dài.
Các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khuyến cáo, vào dịp Tết, nhiều yếu tố như ăn uống thất thường, lạm dụng rượu bia và thay đổi thói quen sinh hoạt có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý tim mạch. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những bệnh nhân đã có bệnh nền về tim mạch hoặc các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, hay rối loạn mỡ máu.
Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm, các chuyên gia khuyến nghị người bệnh cần khám bệnh sớm: Chủ động đến các cơ sở y tế khám và kiểm tra sức khỏe tim mạch trước kỳ nghỉ Tết, đặc biệt là đối với bệnh nhân có bệnh lý tim mạch mãn tính.
Chuẩn bị đủ thuốc: Đảm bảo đủ thuốc cho toàn bộ kỳ nghỉ lễ, tránh tình trạng ngừng thuốc đột ngột, có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng.
Ăn uống và sinh hoạt khoa học: Cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia, đồng thời đảm bảo lịch trình sinh hoạt điều độ.
Chú ý các dấu hiệu bất thường: Khi có dấu hiệu như đau ngực, khó thở, choáng váng, đánh trống ngực, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.
Với sự gia tăng số lượng bệnh nhân khám tim mạch trước Tết, đặc biệt là những người có bệnh lý nền, cảnh báo nguy cơ bệnh tim mạch và biến chứng nguy hiểm đang trở nên rõ rệt.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân chủ động kiểm tra sức khỏe, chuẩn bị đầy đủ thuốc men và tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để đón Tết Nguyên đán an toàn và khỏe mạnh.
Loét lưỡi kéo dài: Cảnh báo ung thư lưỡi giai đoạn sớm
Bà P., 55 tuổi, với triệu chứng viêm loét lưỡi trái kéo dài, kèm theo đau rát. Sau một thời gian tự điều trị và đi khám tại các cơ sở nha khoa nhưng không có kết quả, bà P. đã đến viện khám và phát hiện mình mắc ung thư lưỡi giai đoạn sớm.
Bà P. đã có vết loét kéo dài ở lưỡi trái trong khoảng một tháng, tưởng chừng chỉ là một vết thương thông thường do nghiến răng khi ngủ. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện và đau rát ngày càng tăng khiến bà quyết định đi khám tại nhiều cơ sở nha khoa, nhưng kết quả vẫn bình thường.
Mãi cho đến khi đến khám tại bệnh viện, bác sỹ đã nghi ngờ tình trạng không phải là viêm loét thông thường và quyết định thực hiện sinh thiết. Kết quả xác định bà P. mắc ung thư lưỡi giai đoạn sớm, một dạng ung thư biểu mô vảy sừng hóa xâm nhập.
Theo ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, bác sỹ chuyên khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, ung thư lưỡi giai đoạn sớm có thể điều trị triệt để bằng phẫu thuật. Trong trường hợp này, khối u chưa lan rộng ra ngoài lưỡi, vì vậy phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất để loại bỏ tế bào ung thư. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận và tập luyện để hồi phục chức năng ăn uống, nói chuyện.
Bác sỹ Trông cho biết, khi bệnh nhân được phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, cơ hội sống sau 5 năm có thể lên đến 84%.
Tuy nhiên, nếu ung thư lưỡi được phát hiện muộn và lan rộng ra các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan xa, tỷ lệ sống chỉ còn khoảng 70% ở giai đoạn 2-3, và chỉ 41% ở giai đoạn 4. Đây là lý do việc phát hiện sớm ung thư lưỡi rất quan trọng, vì nó có thể quyết định đến khả năng điều trị và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.
Ung thư lưỡi không phải là bệnh lý phổ biến, nhưng tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng tăng, đặc biệt là ở những người trên 55 tuổi. Tại Mỹ, ung thư lưỡi chiếm khoảng 1% tổng số các ca ung thư, với tỷ lệ mắc ở nam giới cao gấp đôi so với nữ.
Các bác sỹ cho biết có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư lưỡi, trong đó bao gồm hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, tiền sử gia đình có người mắc ung thư khoang miệng hoặc ung thư hầu họng.
Dấu hiệu ung thư lưỡi thường khá mờ nhạt, dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, khi xuất hiện những triệu chứng như: Vết loét kéo dài hơn 3 tuần không lành, có mảng trắng hoặc đỏ. Đau khi nhai, nuốt hoặc nói chuyện.
Chảy máu hoặc có mùi hôi miệng không rõ nguyên nhân. Khối u hoặc sần cứng bên cạnh vết loét. Khó nuốt, đau họng hoặc cảm giác lạ khi ăn uống.
Những dấu hiệu trên cần được xem xét nghiêm túc và đi khám bác sỹ ngay để có thể phát hiện bệnh sớm, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.
Một trong những cách quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư lưỡi là khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư hàng năm.
Việc kiểm tra thường xuyên giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong cơ thể, không chỉ đối với ung thư lưỡi mà còn đối với các bệnh lý ung thư khác. Bên cạnh đó, việc duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc và hạn chế rượu bia là những biện pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc ung thư lưỡi.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-231-phong-ngua-nguy-co-mat-an-toan-thuc-pham-d242269.html
Bình luận (0)