– Ông bà ta có câu “giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay” để nói lên tầm quan trọng của mắt đối với cuộc sống của mỗi người. Vì thế những năm qua, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực giúp người dân phát hiện sớm, điều trị các bệnh lý về mắt, hạn chế tình trạng mù lòa, mang ánh sáng đến cho người bệnh.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc khám, sàng lọc các bệnh về mắt cho các bệnh nhân trên địa bàn huyện Hữu Lũng
Theo các chuyên gia y tế, một số bệnh lý về mắt phổ biến như: đục thể thủy tinh (chiếm tới 66,1%), các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm (bệnh thiên đầu thống), sẹo giác mạc, tật khúc xạ… thường dẫn đến suy giảm thị lực và mù lòa (xuất hiện ở mọi lứa tuổi, phần lớn thường gặp ở độ tuổi trên 50), gây ra những ảnh hưởng lớn và lâu dài đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống, bao gồm: các hoạt động cá nhân hằng ngày, tương tác với cộng đồng và cơ hội làm việc và khả năng tiếp cận các dịch vụ công.
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Trong cuộc sống hiện nay, ngày càng có nhiều yếu tố tác động đến mắt như: khói bụi, chế độ sinh hoạt không phù hợp, lạm dụng các thiết bị điện tử… Bên cạnh đó, với sự biến đổi khí hậu, môi trường sống, môi trường lao động không đảm bảo làm gia tăng các bệnh về mắt. Đối với lứa tuổi học sinh, việc để sách, màn hình vi tính quá gần, thiếu ánh sáng, hoặc bố trí ánh sáng không hợp lý tại nơi học tập… gây nguy cơ bệnh về mắt, thậm chí những trường hợp tai nạn hy hữu do đùa nghịch, vô tình làm tổn thương đến mắt. Tuy nhiên, việc mất thị lực, mù lòa do chấn thương, viêm nhiễm (chiếm 10%) thường được quan tâm giải quyết sớm, còn những triệu chứng như: nhìn mờ, đau nhức, giảm hay mất thị lực trung tâm hoặc không thể nhìn xa, nhìn rõ… rất dễ bị bỏ qua.
Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” và quyết tâm giảm thiểu tình trạng mù lòa và tiến tới loại bỏ mù lòa do những nguyên nhân có thể phòng tránh được, Sở Y tế đã phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai truyền thông, giáo dục sức khỏe, hướng dẫn người dân những kiến thức về bệnh mù lòa do đục thủy tinh thể tại cộng đồng, cung cấp thông tin kiến thức cho cộng đồng phòng, chống các bệnh lý về mắt, đặc biệt là các bệnh nguy cơ mù lòa có thể phòng, chữa được như: đục thủy tinh thể, khô mắt do thiếu vitamin A, võng mạc, đái tháo đường, tật khúc xạ… Qua đó, tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt. Đặc biệt, thông qua chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”, khám sàng lọc tại cộng đồng… nhiều trường hợp mắc các bệnh về mắt được phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời. Ông Nông Ngọc Tăng, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Người cao tuổi là đối tượng thường mắc các bệnh lý về mắt dẫn đến mù lòa, do đó những năm qua, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đã tích cực phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh và các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”. Chương trình có các hoạt động chính là: khám, tư vấn, phẫu thuật các bệnh về mắt cho người cao tuổi. Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm có từ 5.500 đến 6.000 người cao tuổi được khám mắt và có khoảng 500 đến 700 người được phẫu thuật mắt.
Với ý nghĩa của chương trình trên mang lại đã góp phần giảm gánh nặng do các bệnh về mắt, mang lại ánh sáng cho nhiều người cao tuổi để họ luôn sống vui, sống khỏe, sống có ích cũng như tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt. Ông Nguyễn Trung Thuyên, 76 tuổi, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Trước đây, mắt tôi rất kém, đi lại khó khăn, thường xuyên phải nhờ cậy con cháu. Thông qua Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”, ngày 21/4/2023, tôi được khám và kết luận bị đục thủy tinh thể được chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND Bắc Giang. Sau phẫu thuật, mắt tôi đã nhìn rõ hơn, sáng hơn, đọc được sách, báo, làm được các công việc hằng ngày. Cùng với việc thanh toán bằng thẻ bảo hiểm y tế và là đối tượng tham gia chương trình nên toàn bộ chi phí cho phẫu thuật thay thủy tinh thể được giảm 60% giúp gia đình tôi tiết kiệm đáng kể chi phí.
Cùng với đó, học sinh, sinh viên cũng là đối tượng thường mắc phải các bệnh lý về mắt làm giảm thị lực, có nguy cơ mù lòa. Vì thế những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền, giáo dục, tư vấn sức khỏe, bệnh học đường và nâng cao năng lực cho giáo viên, y tế trường học về phát hiện sớm và dự phòng các bệnh về mắt cho học sinh và phối hợp với các cơ sở y tế khám sàng lọc các bệnh về mắt. Qua đó, bình quân mỗi năm, các trường phát hiện khoảng 5.000 học sinh mắc các bệnh về mắt, thông báo cho phụ huynh, gia đình có biện pháp xử lý kịp thời…
Hoàn thiện mạng lưới y tế chăm sóc mắt
Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để phòng, chống bệnh mù lòa trong cộng đồng, những năm qua, Sở Y tế đã quan tâm củng cố và hoàn thiện mạng lưới chăm sóc mắt trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm đã trả lại ánh sáng cho hàng trăm người mù, ngăn ngừa mù lòa cho hàng nghìn trẻ em qua các chiến dịch phòng, chống bệnh khô mắt do thiếu vitamin A và bệnh mắt hột. Đến nay, những căn bệnh này hầu như đã được kiểm soát trên toàn tỉnh.
Để tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm nguy cơ mù lòa, Ban Chỉ đạo Phòng, chống mù lòa tỉnh thường xuyên được kiện toàn và duy trì hoạt động. Mạng lưới y tế phòng, chống mù lòa trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố với 1 đơn vị tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ khám và phẫu thuật các bệnh về mắt. Tại 11/11 trung tâm y tế huyện, thành phố thì các bác sĩ chuyện môn cũng được đào tạo để khám, điều trị, chăm sóc mắt, có khả năng đáp ứng được hoạt động khám điều tra; khám chữa các bệnh thông thường về mắt. Hiện nay, 200/200 trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng có khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi kỹ thuật chuyên môn như chăm sóc mắt ban đầu, xác định bệnh về mắt, đo thị lực….
Đặc biệt, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc, trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại được đầu tư và đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đã thực hiện được nhiều kỹ thuật phẫu thuật cao mang lại ánh sáng cho người mù và điều trị các bệnh về mắt. Tiêu biểu là kỹ thuật mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco (dùng năng lượng sóng âm để tán nhuyễn và tách thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài rồi thay bằng một thủy tinh thể nhân tạo) nhanh chóng, tiện lợi, an toàn cho người bệnh, giảm tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến.
Bác sĩ Chu Đình Quế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc cho biết: Sau khi tiếp nhận thêm nhân lực, cơ sở vật chất, chúng tôi tiếp tục liên kết với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Mắt Hà Nội… để đào tạo, nâng cao chất lượng khám, điều trị các bệnh về mắt. Từ năm 2018 đến nay, trung tâm đã khám cho hơn 12.650 lượt người, phẫu thuật mắt cho hơn 4.100 bệnh nhân trên địa bàn huyện Cao Lộc và các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Văn Quan, Đình Lập…
Được biết, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có hơn 66.500 lượt người được khám, tư vấn các bệnh về mắt, trong đó có trên 6.900 ca phẫu thuật (trên 3.000 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco) tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Ông Hà Văn Tuyên, 50 tuổi, xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng cho biết: Trước đây, mắt tôi hay nhức, mờ, làm việc và sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn. Tháng 4/2023, tôi đến khám mắt tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng. Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị đục thủy tinh thể và chỉ định phẫu thuật. Sau 3 ngày điều trị và phẫu thuật bằng phương pháp Phaco, sức khỏe tôi đã ổn định, mắt nhìn rõ hơn, có thể sinh hoạt và làm việc bình thường, không phải nhờ người thân giúp đỡ như trước.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là ngành y tế nên những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận thức rõ hơn các bệnh về mắt, có cơ hội tiếp cận với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, tăng cường kiểm soát các bệnh gây mù như đục thủy tinh thể, khô mắt do thiếu vitamin A ở trẻ em, võng mạc, đái tháo đường, tật khúc xạ… góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về phòng, chống bệnh mù lòa đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp cần khám mắt định kỳ hằng năm, trong đó, ước khoảng 45 triệu người mù. Đặc biệt, cứ 5 giây có thêm 1 người bị mù và cứ 1 phút có thêm một trẻ bị mù. 90% số người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, tại Việt Nam, trên 80% số người mù có thể phòng, chữa được. Các nguyên nhân gây mù chủ yếu là đục thể thủy tinh (chiếm tới 66,1%) và các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, sẹo giác mạc, tật khúc xạ… |