Người đi chơi dịp lễ dài ngày khi nắng nóng nên uống đủ nước, dùng điều hòa đúng cách, mang theo thuốc dự phòng để tránh nhiễm trùng đường hô hấp.
Khí hậu nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Tiếp xúc nhiều với nắng nóng khiến cơ thể mất nước do tiết nhiều mồ hôi, dẫn đến rối loạn điện giải. Ô nhiễm không khí, khói bụi cùng thay đổi môi trường sống đột ngột, chế độ dinh dưỡng không cân đối, giờ giấc ăn uống, sinh hoạt thay đổi thất thường khi đi du lịch khiến du khách suy giảm sức đề kháng, tế bào niêm mạc hô hấp hoạt động kém.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Hưng, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, không điều trị đúng cách, kịp thời viêm đường hô hấp trên dẫn tới viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Yếu tố viêm làm tăng tiết dịch nhầy, gây kích thích niêm mạc đường thở, khởi phát các đợt cấp ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản… Dưới đây là một số lưu ý phòng bệnh.
Lên lịch trình phù hợp để đảm bảo có chuyến đi an toàn. Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền như COPD, hen phế quản nên đi khám để bác sĩ đánh giá sức khỏe. Người bệnh COPD chỉ nên đi du lịch khi sức khỏe ổn định hoặc sau khi điều trị đợt cấp ít nhất một tháng, ưu tiên du lịch ngắn ngày, nghỉ dưỡng, ít di chuyển.
Theo bác sĩ Hưng, một số trường hợp không nên chọn di chuyển bằng máy bay như người bệnh đang lên cơn hen ở tình trạng nặng, giãn phế nang bẩm sinh, đang mắc bệnh lao, nhiều kén khí tại phổi (túi khí hình thành bất thường do sự giãn nở của các phế nang phổi). Người tràn khí màng phổi, khó thở khi nghỉ ngơi, mức độ thiếu oxy máu và tăng anhydrid carbonic nặng, đang điều trị viêm tai giữa… cũng không nên đi máy bay.
Người bệnh viêm mũi xoang dị ứng, nhiễm khuẩn mũi họng, viêm tai giữa đã điều trị khỏi hoàn toàn khoảng hai tuần có thể đi máy bay. Tuy nhiên, sau khi bay, người bệnh dễ phát triển viêm tai do áp lực khí. Dùng thuốc chống ngạt mũi trước khi khởi hành 30 phút, nhai kẹo cao su trong khi bay giúp ngăn ngừa tình trạng này.
Đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với môi trường; súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý. Đây là các biện pháp quan trọng giúp hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; hạn chế tiếp xúc gần với người có dấu hiệu mắc bệnh.
Khẩu trang nên chọn loại vừa vặn với khuôn mặt, đeo và tháo đúng cách. Đối với khẩu trang y tế, người dùng chỉ nên đeo một lần và vứt bỏ. Khẩu trang vải chưa giặt sạch cần cho vào túi và bọc kín.
Uống đủ nước duy trì độ ẩm cho lớp niêm mạc mũi, họng, kích thích máu lưu thông. Người trưởng thành nên uống khoảng 8 cốc nước mỗi ngày, có thể nhiều hơn tùy theo mức độ vận động.
Ưu tiên nước lọc, nước dừa, nước ép trái cây, rau củ hoặc các loại trà thảo mộc. Hạn chế uống nước lạnh do có thể khiến niêm mạc đường hô hấp bị co lại hoặc phù nề, xung huyết, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công đường hô hấp trên. Tránh uống bia rượu, cà phê do có thể gây mệt mỏi, mất nước.
Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng trong kỳ nghỉ, đảm bảo chế độ ăn lành mạnh. Bữa ăn nên có đủ các chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất, nhất là nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Tránh ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, đồ ăn bán dạo ngoài bãi biển, đường phố, khu vui chơi.
Tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, dùng kem bôi xua muỗi, uống đủ nước để tránh đổ mồ hôi làm tăng thân nhiệt thu hút muỗi. Điều này giúp tránh nguy cơ sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, sốt rét…
Dùng điều hòa đúng cách khi về nghỉ tại phòng khách sạn để tránh tình trạng sốc nhiệt, cảm sốt, ảnh hưởng hệ hô hấp. Bác sĩ Hưng lưu ý không nên tắm ngay sau khi từ ngoài trời nóng về. Khi bật điều hòa, bạn không nên để nhiệt độ trong phòng quá lạnh, tốt nhất nên duy trì 25-26°C vào ban ngày, 27-28°C vào ban đêm. Để tránh bị khô mũi họng khi ngủ, có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để trong phòng.
Chuẩn bị sẵn thuốc điều trị bệnh mạn tính điều trị theo đơn của bác sĩ và uống đúng liều theo chỉ định để tránh đợt cấp tái phát.
Do lịch trình di chuyển liên tục, nhịp sinh hoạt đảo lộn dễ phát sinh tình trạng rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm. Những vùng núi cao có không khí loãng, thời tiết lạnh về đêm có thể tăng nguy cơ làm khởi phát đợt cấp bệnh hen phế quản, COPD… Người bệnh nên lưu thông tin hồ sơ bệnh án, đơn thuốc của bác sĩ để dùng trong trường hợp cần hỗ trợ y tế.
Nên chuẩn bị thêm một số thuốc thông thường như thuốc cảm, dung dịch nhỏ mắt, oxy già, thuốc trị côn trùng cắn, dầu gió, chống say tàu xe, oresol, hạ sốt, men vi sinh, men tiêu hóa… Người đi du lịch nên tìm hiểu trước vấn đề chăm sóc y tế tại địa phương đến.
Đảm bảo ngủ đủ giấc khoảng 7 tiếng mỗi đêm giúp cơ thể được nghỉ ngơi, sức khỏe hồi phục để đảm bảo các hoạt động cho ngày tiếp theo.
Hạn chế ra ngoài trời lúc nắng gắt để tránh bị say nắng, say nóng, cảm sốt và các bệnh hô hấp.
Tiêm ngừa đúng lịch các loại vaccine như cúm, phế cầu, bạch hầu, ho gà… giúp cơ thể tạo ra miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |