Trong năm 2024, ‘phông bạt’ được đề cập rất nhiều liên quan các vụ việc lùm xùm xảy ra. Có lẽ nên chọn làm từ của năm?
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, Hãng tin AP ngày 3-12 cho biết từ điển Oxford mới đây đã công bố cụm từ đại diện cho năm 2024 sẽ là brain rot (thối não).
Với tần suất sử dụng tăng vọt 230% so với năm trước, thuật ngữ này được Oxford định nghĩa là “sự suy giảm trạng thái tinh thần hoặc trí tuệ của một người, đặc biệt được xem là kết quả của việc tiêu thụ quá mức các nội dung (hiện nay chủ yếu là nội dung trực tuyến) tầm thường hoặc không mang tính thử thách”.
Nếu lựa chọn cụm từ đại diện cho năm 2024 để đưa vào từ điển tiếng Việt, bạn sẽ lựa chọn cụm từ nào?
Tuổi Trẻ Online giới thiệu chia sẻ của tác giả Nguyễn Minh Hoàng – chuyên gia về công tác xã hội và phát triển cộng đồng.
Chúng ta không thích “phông bạt” nhưng sao vẫn tán dương?
Trong năm 2024, “phông bạt” có lẽ xứng đáng được chọn làm “từ của năm”. Từ “phông bạt” (nghĩa mới) vốn đã xuất hiện từ trước, nhưng chỉ đến khi cả nước chung tay khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi, và cũng do mạng xã hội lan truyền, mới trở thành trào lưu và “bùng nổ” về tần suất sử dụng.
Từ góc độ ngôn ngữ, những người am hiểu tiếng Anh đã tìm được các từ tương đương trong tiếng Anh. Một trong số đó là từ “pretentious” (giả dối, giả tạo, khoác lác). Từ này khác với từ “show off” (khoe khoang, thể hiện).
Vì phông bạt là nói sai, nói quá, nói không đúng về thứ mình có (ví dụ số tiền đã ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai).
Còn khoe khoang, thể hiện là cố tình cho người khác thấy cái mình có mà đôi khi khiến người khác cảm thấy khó chịu, ghen ghét và đố kỵ.
Trong một bài viết trên trang của Quỹ Sức khỏe tâm thần New Zealand (Mental Health Foundation of New Zealand), một tổ chức từ thiện chuyên thực hiện các chiến dịch nâng cao sức khỏe toàn quốc và vận động thay đổi hệ thống tại New Zealand, từ “pretentious” được sử dụng để mô tả về một trong những đặc điểm của người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (tự luyến, tự yêu mình thái quá).
Rối loạn nhân cách ái kỷ, thường được viết tắt là NPD (narcissistic personality disorder) là một chứng bệnh tâm thần đã được biết đến rộng rãi.
Theo các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần, nguyên nhân của rối loạn nhân cách ái kỷ bao gồm yếu tố di truyền, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, phong cách nuôi dạy con cái của cha mẹ, quan sát – bắt chước, và các yếu tố liên quan đến văn hóa.
Trong số các nguyên nhân dẫn đến NPD, đáng chú ý có hai nguyên nhân là quan sát, bắt chước và môi trường văn hóa.
Hai nguyên nhân này càng trở nên có nghĩa trong thời đại mà con người sử dụng mạng xã hội rộng rãi, dễ dàng tương tác với người khác trên không gian mạng và hấp thụ nhiều thông tin.
Liên hệ đến chuyện phông bạt trên mạng xã hội thì chính hành động thả like, thả tim, bình luận xã giao khen ngợi, tán dương cho mỗi bài đăng có tính phông bạt của ai đó đã vô tình khuyến khích họ làm như vậy ở những lần tiếp theo.
Chúng ta có thể không thích những bài đăng có tính phông bạt của người khác, nhưng đôi khi vẫn tán dương họ, vậy là chính chúng ta cũng giả dối?
Tất cả chúng ta nhận ra sự giả tạo ở cả bản thân và người khác, nhưng thay vì ngăn cản nó, chúng ta lại khuyến khích nó. Chúng ta cho rằng mình coi trọng sự chân thật, nhưng cuối cùng, lại để sự giả tạo chiến thắng.
Đây có thể là một vòng lặp luẩn quẩn nuôi dưỡng thói giả dối, phông bạt ở nhiều người.
Ngưng giả dối, “phông bạt” sẽ hết đất diễn
Ngược về lịch sử, Iskra Fileva dẫn những câu chuyện để cho thấy thói giả dối là một đặc tính của con người từ xa xưa.
Một cách văn học và dí dỏm hơn, nhà văn nổi tiếng Shakespeare đã cho nhân vật của mình trong vở As You Like It (Như bạn thích nó) nói rằng “Cả thế giới là một sân khấu. Và tất cả đàn ông, phụ nữ chỉ là những diễn viên”.
Ở Việt Nam, trong những năm đất nước còn khó khăn, cuộc sống của người dân chưa no đủ, cũng đã có những kiểu “phông bạt” của các gia đình.
Ví dụ như người ta lấy chày giã vào chiếc cối rỗng để tạo tiếng kêu giống như đang giã gạo, giã thịt, hoặc nhỏ nước lên chiếc kiềng, chiếc chảo nóng để tạo tiếng xèo xèo như đang xào nấu thức ăn. Cũng có người thì ngậm tăm đi ra đường để người khác trông thấy như thể vừa được ăn…
Nhưng khác với bây giờ, phông bạt trong các thời kỳ trước đây không có sự hỗ trợ của mạng xã hội và truyền thông, nên những ảnh hưởng tiêu cực sẽ ít hơn.
Trở lại vấn đề của những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, theo các chuyên gia, việc cha mẹ thiếu quan tâm, yêu thương và chăm sóc cũng có thể khiến trẻ phát triển các cơ chế phòng vệ, chẳng hạn như tự luyến, để bảo vệ bản thân khỏi cảm giác bị tổn thương.
Ngược lại, việc nuông chiều quá mức cũng khiến trẻ lầm tưởng mình là trung tâm, rốn của vụ trụ.
Trẻ em vốn có khả năng quan sát và học hỏi nhanh nên chúng có thể bắt chước những hành vi, ứng xử có tính ái kỷ của cha mẹ, người xung quanh và đặc biệt là những người mà chúng thần tượng, ngưỡng mộ.
Tất cả những điều này đều có thể góp phần dẫn đến chứng rối loạn nhân cách ái kỷ khi trẻ trưởng thành. Chính vì vậy, cách tốt nhất để giảm thiểu khả năng một đứa trẻ phát triển thành nhân cách ái kỷ chính là sự nuôi dạy của cha mẹ.
Còn với mỗi chúng ta, hãy ngừng giả dối trước sự giả dối của người khác để thói phông bạt không còn đất diễn nữa.
Còn theo bạn, từ nào nên là từ của năm 2024? Bạn hãy nêu ý kiến của mình trong phần bình luận dưới đây. Cảm ơn bạn.
TTO
Nguồn: https://tuoitre.vn/phong-bat-nen-la-tu-cua-nam-20241207111301778.htm