Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Chỉ số này do các doanh nghiệp (DN) đánh giá. Chỉ số PAPI là chỉ số đo lường mức độ quản trị hành chính công cấp tỉnh, do người dân đánh giá.
Hai chỉ số này có sự khác nhau cơ bản về tiêu chí đánh giá, đối tượng đánh giá, mục đích đánh giá cũng như giải pháp cải thiện cho từng chỉ số thành phần. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sâu hơn cho thấy, 2 chỉ số này có một số phạm vi giao thoa, tác động qua lại lẫn nhau, như vấn đề cải cách hành chính, tính công khai, minh bạch, an ninh trật tự nông thôn; tinh thần, thái độ phục vụ của chính quyền (kỷ luật, kỷ cương nền hành chính).
Theo nghiên cứu của bản thân, ông Tòng cho rằng, nếu đánh giá về mặt tổng quan, tính đồng bộ về các giải pháp cải thiện Chỉ số PCI có thể thấy sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh rất cao, tư tưởng chỉ đạo nhất quán. Giải pháp được đưa ra khá nhiều, nhưng tính hiệu quả của từng nhóm giải pháp chưa đồng đều, có cái đạt rất tốt, cái thì rất thấp. Kết quả đánh giá từng chỉ số thành phần thể hiện rất rõ điều đó.
“Theo tôi, cần nghiên cứu có cách tiếp cận và đưa ra từng nhóm giải pháp sát yêu cầu thực tiễn hơn mới có thể giải quyết căn cơ, bền vững thứ hạng đạt được”, Giám đốc Sở Tư pháp nêu quan điểm.
Ðã qua, Sở Tư pháp được giao phụ trách 5 chỉ tiêu thành phần, trong đó 3 chỉ tiêu được đánh giá tích cực và 2 chỉ tiêu được đánh giá tiêu cực. 2 chỉ số được đánh giá tiêu cực là Trợ giúp pháp lý hỗ trợ DN và Giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Liên quan đến kết quả khảo sát này, ông Võ Thanh Tòng cho rằng, kết quả khảo sát, phản ánh thực trạng này là phù hợp với thực tiễn. Thực tế tại địa phương cho thấy, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN để hạn chế rủi ro; giảm chi phí tuân thủ pháp luật và chi phí không chính thức là mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước phải làm cho DN đã được pháp luật quy định, nhưng chúng ta chưa có cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp, hiện tại hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN được giao cho 2 cơ quan thực hiện (Sở Kế hoạch và Ðầu tư và Sở Tư pháp). Sở Tư pháp đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng không mang lại hiệu quả. Nguyên nhân là do cơ quan Nhà nước đã sẵn sàng, nhưng các DN chưa sẵn sàng đón nhận. Sở Tư pháp và Hiệp hội DN chưa có tiếng nói chung về thực hiện các giải pháp cho mục tiêu này. Mặc dù Sở Tư pháp có nhiều văn bản phối hợp thực hiện nhưng chưa được đón nhận và hợp tác.
Ðể thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu này, ông Võ Thanh Tòng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tư pháp và Hiệp hội DN đồng hành thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động các DN cùng tham gia. Xây dựng kênh thông tin “Pháp luật và doanh nghiệp” để truyền tải kịp thời chủ trương, thiết chế pháp lý để cộng đồng DN tiếp cận, nghiên cứu và tuân thủ.
Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tránh những rủi ro pháp lý là việc cần được quan tâm đúng mức. (Trong ảnh: Vì thiếu kỹ năng nhận biết hàng giả, một doanh nghiệp tại Phường 8, TP Cà Mau bị tổ kiểm tra thuộc Cục Quản lý thị trường lập biên bản xử lý).
Ðồng thời, đối với Sở Tư pháp, để cải thiện các chỉ tiêu thành phần do ngành phụ trách, thời gian tới cần tập trung thực hiện toàn diện các nhóm giải pháp cụ thể. Trọng tâm là tăng cường và nâng chất hoạt động phối hợp liên ngành.
Ðơn cử như, Sở Tư pháp sẽ chủ động phối hợp lãnh đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Hiệp hội DN tỉnh, Hiệp hội DN trẻ tỉnh, Liên minh HTX và các ngành liên quan xác định mục tiêu, giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho DN, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN. Phối hợp với Toà án tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ hoà giải ngoài tố tụng, xét xử kịp thời, đúng thời hạn, hạn chế án bị huỷ, sửa đối với các vụ án hành chính, lao động, kinh doanh thương mại có liên quan đến DN. Ðồng thời, phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự đẩy nhanh tiến độ thi hành các bản án có hiệu lực thi hành thuộc lĩnh vực này. Phối hợp cùng Thanh tra tỉnh chỉ đạo thực hiện nhanh, kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của DN liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phối hợp Hiệp hội DN tỉnh, Hiệp hội DN trẻ tỉnh, Liên minh Hợp tác xã xây dựng giải pháp tiếp nhận phản ánh, kiến nghị thông qua đầu mối là tổ chức đại diện DN và tham mưu UBND tỉnh giải quyết phản ánh, kiến nghị kịp thời, hiệu quả. Ðồng thời, thiết lập kênh tiếp nhận, chuyển giao thể chế pháp lý của Trung ương, của tỉnh có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của DN và duy trì vận hành thường xuyên, hiệu quả kênh tiếp nhận này để cộng đồng DN có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và tuân thủ, hạn chế rủi ro pháp lý./.
Văn Ðum