Điểm sáng của kinh tế toàn cầu
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2024 đạt 5,7%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực, được đánh giá là “điểm sáng” của kinh tế toàn cầu; trong năm 2024, nền kinh tế phục hồi rõ nét, tốc độ tăng trưởng phấn đấu đạt và vượt 7%. Quy mô kinh tế từ 346 tỷ USD năm 2020, xếp thứ 37 thế giới, tăng lên 433 tỷ USD năm 2023, xếp thứ 34 thế giới; GDP bình quân đầu người tăng 1,3 lần, từ 3.552 USD lên khoảng 4.647 USD năm 2024.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, đã đưa vào khai thác hơn 2.021 km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới; Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối được hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, lĩnh vực và quy hoạch cấp tỉnh được đẩy nhanh tiến độ; kinh tế số, chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Đề án 06 được triển khai tích cực.
“Đạt được những kết quả quan trọng trên đây là nhờ sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt; sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, MTTQ Việt Nam và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp và ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập đến nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2024 và năm 2025, theo Phó Thủ tướng là “rất nặng nề”. Do đó để phấn đấu thực hiện mục tiêu Chiến lược đề ra: đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Phó Thủ tướng cho hay Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm thực hiện đồng bộ hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, trong đó trọng tâm là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời, đẩy mạnh làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao. Làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội.
Đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực
Liên quan đến công tác phối hợp của Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó Thủ tướng thông tin, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng không ngừng củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bám sát chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện Quy chế phối hợp với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Đề cập đến những kết quả nổi bật, Phó Thủ tướng khái quát trong phối hợp tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chính phủ phối hợp chặt chẽ với UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách về dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, nhân sĩ trí thức. Phối hợp trong giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, chương trình, dự án, đề án về công tác dân tộc, tôn giáo. Phát huy vai trò và biểu dương, tôn vinh người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chính phủ, các bộ, ngành, đã tích cực tham gia các hoạt động của Mặt trận, chăm lo đời sống các tầng lớp nhân dân, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hằng năm, hai bên phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, chương trình an sinh xã hội để chăm lo hỗ trợ người nghèo; quan tâm phối hợp thực hiện cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” góp phần chăm lo các gia đình chính sách, người có công và người nghèo, người bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh. Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động Phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025” để đạt mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Về phối hợp xây dựng pháp luật, theo Phó Thủ tướng, trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trân trọng mời đại diện Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập và gửi lấy ý kiến tham gia của MTTQ Việt Nam đối với nội dung của dự thảo; các ý kiến đóng góp của MTTQ Việt Nam đều được các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, rõ ràng.
“Phối hợp công tác giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam thời gian qua được thực hiện tốt, có chiều sâu, với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi bên, đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, xử lý có hiệu quả những vấn đề hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, phức tạp mới phát sinh trong thực tiễn. Bổ sung, hoàn thiện, thể chế, chính sách pháp luật trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các nội dung phối hợp được triển khai toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự ổn định và phát triển thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong phối hợp công tác, thực hiện Quy chế phối hợp. Nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, đồng thuận của nhân dân và Người Việt nam ở nước ngoài, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.
Nguồn: https://daidoanket.vn/phoi-hop-cong-tac-giua-chinh-phu-va-ubtu-mttq-viet-nam-da-kip-thoi-thao-go-nhieu-kho-khan-10292555.html