Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, khi được hỏi về giải pháp điều hành chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% như Chính phủ đề ra cho năm 2025, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, để đạt được mức tăng trưởng này, cần sự nỗ lực đồng bộ và quyết liệt của toàn nền kinh tế. Thành công trong năm nay sẽ tạo tiền đề để đất nước bước vào giai đoạn cất cánh. Do đó, NHNN xác định đây là một nhiệm vụ, trách nhiệm rất lớn.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh rằng, để đạt mức tăng trưởng GDP 8% trở lên, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chính sách và giải pháp đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực.
Riêng đối với ngành ngân hàng, tăng trưởng kinh tế không thể tách rời khỏi đầu tư, và đầu tư chỉ có thể được thúc đẩy khi có đủ nguồn vốn. Mức tăng trưởng trên 8%, thậm chí hướng đến 10% trong năm 2025, là một con số rất ấn tượng. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế cần một sự nỗ lực đồng bộ, quyết liệt. Do đó, NHNN xác định điều hành chính sách tiền tệ là nhiệm vụ nặng nề nhưng quan trọng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP đạt trên 8% - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Luôn có mối tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và GDP. Như năm 2024, GDP tăng 7,09% thì tín dụng tăng 15,08%. Trung bình, cứ trên 2% tăng trưởng tín dụng thì có 1% vào tăng trưởng GDP.
Năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP 8%. Nếu GDP tăng đến 10%, tăng trưởng tín dụng có thể cần đạt 18-20%. Điều này đặt ra bài toán đảm bảo nguồn vốn phục vụ nền kinh tế, nhất là khi các kênh huy động vốn trung và dài hạn như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn những thách thức cần khắc phục. Vì vậy, chính sách tiền tệ và tín dụng trong năm 2025 sẽ rất “nặng”.
Cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 13,4 triệu tỷ đồng và đến cuối năm 2024 là 15,5 triệu tỷ đồng (số làm tròn), tức tăng thêm 2,1 triệu tỷ đồng trong năm 2024. Tổng doanh số cho vay cả năm 2024 đạt khoảng 23 triệu tỷ đồng, trong khi doanh số thu nợ là 21 triệu tỷ đồng, góp phần đạt mức tăng trưởng GDP 7,09%.
Nhìn về năm 2025, về mặt quan điểm, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ làm sao đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Cùng với đó, phải hỗ trợ một cách tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế, cũng như hỗ trợ đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế.
Với quan điểm và mục tiêu như vậy, cũng như kinh nghiệm và các bài học trước đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết điều hành chính sách tiền tệ năm nay sẽ tiếp tục được điều hành một cách linh hoạt, chặt chẽ và phù hợp với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Cụ thể, NHNN sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chính sau:
Đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại để đảm bảo được nguồn vốn cho nền kinh tế trên cơ sở huy động vốn nhàn rỗi từ các doanh nghiệp, người dân thông qua các chính sách lãi suất hợp lý để thu hút được vốn huy động này.
Trong trường hợp cần có những nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu thì NHNN sẽ sử dụng các nghiệp vụ thị trường, công cụ điều hành của mình trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc những hình thức cấp vốn phù hợp.
Về lãi suất, sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với những yêu cầu trong quan hệ với các chỉ số vĩ mô khác và theo hướng giảm dần. NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm suất bằng cách tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Trong điều hành hạn mức tín dụng, NHNN đặt ra mục tiêu định hướng 16% nhưng cũng có thể sẽ cao hơn nếu như kiểm soát tốt được lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép để làm sao đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất. Về phương thức quản lý và điều hành với hạn mức tín dụng, năm 2024 đã có những đổi mới và 2025 sẽ tiếp tục được đổi mới để tạo sự thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại. Nếu như cho vay tích cực, cho vay đúng đối tượng, phát huy được nguồn vốn cũng như đảm bảo về an toàn, lành mạnh của hệ thống thì chủ động được nâng hạn mức tín dụng. NHNN sẽ kiểm soát chung, đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng tổng thể của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục hóa giải những tác động của thế giới để đảm bảo duy trì một thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định. Ngay trong những ngày đầu năm vừa qua, mặc dù chịu những tác động không tích cực đối với nền kinh tế, với thị trường ngoại tệ nhưng NHNN cũng đã chủ động điều hành và từ giữa tháng 1 đến nay, thị trường đã trở lại trạng thái tích cực, trên cơ sở ngoại hối, kiều hối cũng như dòng tiền xuất nhập khẩu. NHNN sẽ có các biện pháp can thiệp khi cần thiết để có thể đảm bảo được quan hệ ngoại tệ một cách tích cực, đảm bảo tỷ giá ở mức hợp lý, tránh tâm lý găm giữ.
Ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm giảm chi phí hoạt động, qua đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các chính sách tái cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ cũng sẽ được sử dụng một cách hợp lý để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các chính sách tín dụng ưu đãi khác, nhất là các chương trình tín dụng ưu đãi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sẽ được triển khai tích cực.
“Đó là những nội dung, giải pháp chủ yếu mà NHNN sẽ thực hiện trong năm 2025. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng là đây cũng chỉ là một trong những kênh có vai trò quan trọng nhưng cũng cần phải có sự rất đồng bộ của các chính sách khác thì chúng ta sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8%, thậm chí trên 8% trong năm nay”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tin tưởng.Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/phoi-hop-chat-che-dong-bo-cac-chinh-sach-de-dat-tang-truong-kinh-te-8-160251.html
Bình luận (0)