Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, cộng đồng, địa phương, các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, các thư viện và những doanh nghiệp, cá nhân đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, giúp cho công tác xuất bản có bước phát triển nhanh, làm cho văn hóa đọc có những tiến bộ đáng ghi nhận.
Phong trào đọc sách, tặng sách đã đến được nhiều nơi trên cả nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là: “phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.
“Sự kết hợp hài hòa giữa những nét văn hóa truyền thống cùng những yếu tố hiện đại là một cách để chúng ta tôn vinh sách và khẳng định vai trò trung tâm của văn hóa đọc trong đời sống văn hóa, để “dòng chảy văn hóa đọc” luôn được khơi thông, tiếp nối. Tôi tin tưởng rằng, các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II được tổ chức hôm nay tại TP. Huế cũng như trong những ngày tới trên khắp mọi miền Tổ quốc sẽ thực sự phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống, tôn vinh sách và những người làm sách, phát triển phong trào đọc sách”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng; các bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như: xây dựng văn hóa, khuyến học…; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đổi mới trong nhận thức, đổi mới trong sáng tạo, đổi mới trong phương thức xuất bản, đổi mới trong cách tiếp cận bạn đọc để sách vẫn là sách, nhưng đa dạng hình tướng, đến được hàng triệu người, để xuất bản phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng dân tộc hóa nhưng vẫn phải hiện đại hóa bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hóa thông qua đa nền tảng số.
“Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, Sở Thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố, cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà mạng viễn thông có các hoạt động thiết thực để phát triển văn hóa đọc nước nhà. Các nhà xuất bản tạo ra các phiên bản sách đa nền tảng. Các đơn vị phát hành ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh hoạt động đưa sách đến mọi vùng miền. Các sở tổ chức hoạt động cộng đồng. Các báo đài có chuyên mục về sách. Các nhà mạng nhắn tin miễn phí giới thiệu sách…”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị.
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, để phát huy và nhân rộng việc phát triển văn hóa đọc, tỉnh đã xây dựng, hình thành và phát triển thói quen, nhu cầu, phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, như tổ chức Tuần lễ đọc sách miễn phí, nói chuyện chuyên đề: “Sách và cuộc sống”, “Chúng em với di sản văn hóa Huế”, “Cuốn sách của tôi”… Những mô hình “Tủ sách cho bạn và cho tôi”, “Tủ sách tại lớp” đã huy động tối đa các đầu sách hay, ý nghĩa từ các nguồn xã hội hóa và các học sinh, giáo viên cùng xây dựng thư viện trường học.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai Đề án thiết lập và phát triển Tủ sách Huế nhằm tạo nên một thương hiệu sách mang đậm dấu ấn Huế góp phần thúc đẩy quảng bá văn hóa Huế qua sách. Đến nay, Tủ sách Huế đã hình thành được 9 xuất bản phẩm, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ xuất bản được 50 ấn phẩm mới và hợp tác gắn logo Tủ sách Huế với hàng trăm sách xuất bản khác trên toàn quốc sẽ trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của Huế, giới thiệu đến độc giả, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa về văn hóa của vùng đất Cố đô; đồng thời, sẽ trở thành cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên – Huế trên tất cả các lĩnh vực…, phục vụ cho công cuộc xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay sẽ có các hoạt động hưởng ứng như Bộ Thông tin và Truyền thông tặng 3.000 cuốn sách cho huyện miền núi A Lưới; UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chuyển giao 770 ấn phẩm Tủ sách Huế đến 49 điểm thư viện trên toàn tỉnh; Hội chợ Sách Huế; Tọa đàm Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và nền tảng hỗ trợ xuất bản, phát hành; Tọa đàm về các chủ đề lịch sử, văn hóa, xã hội và xu hướng phát triển ngành xuất bản, cùng các chương trình văn nghệ đặc sắc giới thiệu di sản văn hóa Cung đình Huế; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức không gian trưng bày Lưu dấu lịch sử – khám phá Tàng Thơ lâu; Triển lãm sách cổ hiến tặng và giới thiệu tác phẩm Ngự chế minh văn cổ khí đồ của vua Minh Mạng tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; Hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên – Huế…
Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Năm 2021, trước yêu cầu mới, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg đưa ngày này thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam