Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận khuyết điểm trước Quốc hội và đồng bào dân tộc vì chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng này thực hiện không đúng yêu cầu đặt ra.
Sáng 7/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh có thêm một tiếng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tham gia giải trình thêm nội dung đại biểu quan tâm, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã thẳng thắn nhận trách nhiệm và nêu nhiều trăn trở.
“Với trách nhiệm người được phân công chỉ huy tổ chức thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số, miền núi vì chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng cả hai chương trình còn lại đã thực hiện không đúng yêu cầu, hay nói giản dị là rất chậm”, Phó thủ tướng nói.
Ông Quang nêu đến 31/5, phần vốn của năm 2022 cho chương trình này chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển. Riêng vốn năm 2023 chỉ đạt 17%. Giai đoạn một của chương trình chỉ còn 2,5 năm nữa để thực hiện. Rất nhiều khu vực, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, những người thụ hưởng chương trình này đang sống ở vùng phên giậu đất nước, đang cố gắng chịu đựng rất nhiều khó khăn để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, “cho nên chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề”.
Từ chiều qua, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về cơ chế chính sách chồng chéo, xung đột về câu chữ, nhưng ông Quang cho rằng điều đó không quan trọng lắm, quan trọng là làm sao tháo gỡ để chương trình có thể chạy và chạy thật nhanh thời gian tới.
Một trong những khó khăn khi thực hiện chương trình là có rất nhiều văn bản. Ba chương trình mục tiêu quốc gia có đến 73 văn bản. Riêng chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án và 55 nội dung thành phần, chịu sự quản lý của 23 bộ ngành trung ương. Vì vậy, văn bản còn chồng chéo, xung đột “là điều có thể chia sẻ”.
Sau khi yêu cầu các địa phương báo cáo, Chính phủ đã ghi nhận 339 thắc mắc ở cơ sở vì không biết làm thế nào cho đúng. Các bộ ngành sau đó có 59 văn bản trả lời, giải quyết được 261 thắc mắc, chiếm 70%. Nội dung còn lại đang được tháo gỡ bằng cách sửa đổi quy định, điều chỉnh một số thông tư, trong đó việc sửa đổi Nghị định 27 là khó nhất, phấn đấu ban hành trước 15/6.
“Nói thực lòng là tôi hứa với Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội rằng trong quý I là xong việc này nhưng phải mất thêm 2,5 tháng thì nay mới có thể báo cáo về thời hạn”, ông Quang nói.
Khi đi địa phương, ông nhận thấy chỉ giải ngân được 44% vốn trung ương, nhưng vốn đối ứng địa phương thì gần 99%. Điều này cho thấy nếu vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương thì giải quyết rất nhanh, nhưng với quy định sử dụng vốn trung ương thì “rất lằng nhằng”. Phó thủ tướng cho biết sẽ nỗ lực làm xong một số quy định, mục tiêu là chương trình có thể giải ngân được vốn như dự kiến.
Hơn nữa, không phải địa phương nào cũng quan tâm đến chương trình này. Thực tế cho thấy nơi nào quan tâm thì việc chạy. Đến nay còn 6 địa phương nợ hướng dẫn thuộc thẩm quyền. Trình độ cán bộ trực tiếp triển khai chương trình cũng là điều ông Quang lo ngại bởi họ ở vùng sâu, nhiều mặt còn hạn chế, trong khi thủ tục lằng nhằng, dễ dẫn đến sai sót.
Phó thủ tướng cho biết qua khảo sát thực tế, chương trình này và ba chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án triển khai ở nhiều nơi rất manh mún, dàn trải. Nguồn lực không nhiều nhưng cán bộ địa phương thấy chỗ nào cũng khó nên “hoa thơm mỗi người hưởng tí” để cùng vui vẻ. Có địa phương được 200 tỷ đồng nhưng có đến 400 dự án, mỗi dự án 500 triệu. Với vùng cao, làm dự án hạ tầng như vậy khó phát huy giá trị.
Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ quá nhiều khiến các địa phương mất vài tháng tới một năm để xử lý. “Nói thật lòng, với trình độ anh em như vậy thì rủi ro rất lớn, thậm chí chúng ta có thể mất cán bộ”, ông Quang nói, cho biết sẽ đẩy mạnh phân cấp cho địa phương để họ làm những điều thấy đúng nhất.
Hàng nghìn tỷ đồng không chỉ chi cho hội thảo
Trước đó, Bộ trưởng Hầu A Lềnh dành khá nhiều thời gian trả lời phần tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách). Chiều qua, đại biểu Mai cho rằng việc sử dụng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa ổn khi ngoài giải ngân rất thấp (chỉ đạt 4.600 tỷ đồng, 51%) thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo, tập huấn.
Bà Mai dẫn chứng hội thảo bình đẳng giới chi hết 64 tỷ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân tốn 102 tỷ, kiểm tra hội thảo hết 88 tỷ; nhưng xây dựng mạng lưới cơ sở chỉ đạt 38 tỷ. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không?”, bà Mai hỏi.
Giải trình sáng nay, ông Hầu A Lềnh nói dự án của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thực hiện bình đẳng giới, giải quyết vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, được bố trí 2.382 tỷ đồng. Số tiền này để thực hiện nhiều nội dung như tập huấn, tuyên truyền, truyền thông.
Trên cơ sở nguồn ngân sách và nhiệm vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tập trung vào truyền thông và tập huấn giai đoạn đầu. Các hoạt động khác sẽ tổ chức vào giai đoạn tiếp theo. “Đây là nguồn vốn của Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp chứ không phải chỉ ở Trung ương”, ông Lềnh nói, cho biết các hoạt động này không trái quy định pháp luật.
Ông cho biết nghị quyết 120 của Quốc hội đặt ra mục tiêu tập trung nguồn lực ưu tiên cho các địa phương. Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã thiết kế 10 dự án, phân cấp thẩm quyền điều hành cho địa phương. Trung ương sẽ ban hành văn bản hướng dẫn và kiểm tra, giám sát, xử lý vướng mắc.
Giai đoạn này Quốc hội đã bố trí 104.000 tỷ đồng, trong đó 50.000 tỷ vốn đầu tư công và 54.000 tỷ vốn sự nghiệp. Vốn sự nghiệp chủ yếu dùng để giải quyết chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân hưởng các chính sách từ giai đoạn 2016-2020 còn hiệu lực. “Đây là đặc thù của chương trình này chứ không phải bất hợp lý”, ông nói.
Về hệ thống văn bản, giai đoạn 2022, các bộ ngành cơ bản ban hành theo thẩm quyền được Chính phủ giao. Tuy nhiên, ông Lềnh thừa nhận vấn đề nảy sinh là văn bản giữa các bộ ngành quy định tiêu chuẩn định mức, quy định chuyên ngành còn mâu thuẫn, chồng chéo. Điển hình là thông tư của Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc có nội dung chưa thống nhất “chứ không phải là không phù hợp với quy định pháp luật”. Việc này đang rà soát để sửa.
Cùng quan tâm đến việc ban hành nhiều văn bản, chính sách về phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (Phó chủ tịch Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình) cho rằng nhiều nội dung, văn bản còn chồng chéo, mâu thuẫn, tản mát. “Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thực trạng này gây khó khăn gì và giải pháp sắp tới”, bà đặt vấn đề.
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, mỗi văn bản đều có chức năng phục vụ công tác quản lý cho lĩnh vực chuyên ngành. Vì vậy, hệ thống văn bản các ngành, lĩnh vực đa dạng là nguyên nhân hoàn toàn khách quan. Song hệ thống văn bản tương đối đồng bộ, sự chồng chéo không nhiều và không phát hiện chính sách, văn bản trái quy định.
Trong quá trình Chính phủ rà soát, Ủy ban sẽ đề nghị sửa đổi, tích hợp các chính sách. “Cái nào phù hợp thì tích hợp, cái nào có quy định riêng thì thực hiện theo luật chuyên ngành”, ông nói.
Chưa có chính sách mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vùng đồng bào dân tộc
Chiều qua, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng báo cáo của Ủy ban Dân tộc nêu một số địa phương chưa phát huy thế mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, ông nhận thấy vấn đề đầu tư, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó có hạ tầng giao thông để thu hút doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ cho bà con đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thời gian tới có giải pháp nào để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào vùng này, giải quyết việc làm tại chỗ cho bà con vùng đồng bào dân tộc.
Trả lời câu hỏi này vào phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói, để thu hút đầu tư cần cả chính sách địa phương và trung ương. Chính sách từ trung ương gồm các luật, văn bản quy định làm cơ sở để địa phương xây dựng chính sách cụ thể từ Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Sau đó, địa phương cụ thể hóa phù hợp với điều kiện từng nơi.
“Như vậy, cần có hệ thống chính sách thống nhất từ trung ương đến địa phương để hút hút đầu tư. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn nên chưa có chính sách đủ mạnh”, ông Lềnh nói và mong rằng thời gian tới thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào đây.
Về đề xuất cơ chế đặc thù phát triển sinh kế dưới tán rừng, ông Lềnh cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ đang xây dựng đề án phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng trong đó có nội dung trồng dược liệu dưới tán rừng và các sinh kế khác.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng thực tế hiện nay, với chính sách tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì việc bố trí việc làm cho người được đào tạo theo Thông tư số 02 của Ủy ban Dân tộc rất khó khăn. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo?
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết chính sách bố trí cán bộ dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị đã được các địa phương, bộ ngành quan tâm. Cán bộ dân tộc thiểu số được ưu tiên bố trí việc làm sau khi hoàn thành chương trình học. Bộ Chính trị cũng đã có kết luận cần có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc ít người, còn nhiều khó khăn.
“Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng văn bản thực hiện chính sách này, để có chính sách đặc thù tuyển dụng người dân tộc thiểu số”, ông Lềnh cho hay.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh từ chiều qua đến sáng nay có 62 đại biểu đăng ký, trong đó 28 người nêu câu hỏi và 7 người tranh luận; 27 người đăng ký nhưng chưa được hỏi vì hết thời gian.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng đã rất bình tĩnh, tự tin, chuẩn bị tốt nội dung, cơ bản nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn, đã tập trung trả lời vào câu hỏi của đại biểu. Bộ trưởng cũng giải trình khá đầy đủ, đồng thời đề xuất được phương hướng và một số giải pháp nhằm khắc phục bất cập trong lĩnh vực phụ trách.
Xem diễn biến chính