Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá cao những thành tựu của ngành lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) trong gần 80 năm qua, đồng thời chỉ rõ không để công tác sáp nhập làm gián đoạn các chính sách của ngành mà ngược lại phải làm tốt hơn nữa.
Sáng 27/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 của ngành. Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định, đây không chỉ là dịp để nhìn lại quá trình phát triển gần 80 năm của ngành mà còn là cơ hội để khẳng định những giá trị nhân văn sâu sắc mà ngành LĐ-TB&XH đã góp phần duy trì và phát huy ở nhiều lĩnh vực, đơn cử như công tác chăm sóc người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội tới đến phát triển thị trường lao động, công tác đào tạo nghề.
Đặc biệt là vai trò của ngành trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho những người dân gặp khó khăn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chăm sóc người có công là sự thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tri ân tới những người đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước”. Ông nhấn mạnh rằng, các chính sách lao động, việc làm và đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu thực tế, đồng thời không ngừng cải thiện để gần gũi hơn.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị (Ảnh: T.L). |
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ rằng, khi đi tiếp xúc với cử tri, ông nhận được rất nhiều câu hỏi về việc nâng cao khả năng thụ hưởng của các chính sách sinh xã hội, chính sách đối với người có công. Ông nói: “Người dân đều mong có nhiều phúc lợi hơn và tôi đã trả lời rằng, Bộ LĐ-TB&XH sẽ luôn tìm cách nâng cao các chính sách này”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, việc đáp ứng đầy đủ những kỳ vọng của dân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc vào điều kiện phát triển của đất nước.
Nhìn lại chặng đường gần 80 năm, Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành LĐ-TB&XH trong việc xây dựng và phát triển các chính sách an sinh xã hội, đồng thời chỉ ra rằng, kết quả đạt được là sự nối tiếp của một quá trình dài, không chỉ đơn thuần là những con số của năm 2024.
Về phương hướng phát triển vào năm 2025, Phó Thủ tướng nêu rõ 3 nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện đồng thời: Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy; tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc; tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trưởng thành trên 7% để tạo đà cho các năm sau.
Ông khẳng định, thời gian tới, các chính sách mà Bộ LĐ-TB&XH đang tham mưu cho Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực người có công, an sinh xã hội và lao động việc làm, sẽ không thay đổi mà phải làm tốt hơn, phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn.
Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 của ngành LĐ-TB&XH (Ảnh: T.L). |
Phó Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng, mỗi cán bộ của ngành LĐ-TB&XH nghiêm túc chấp hành việc bố trí, tiếp tục sáng tạo, phát huy những giá trị đã đạt được để chính sách LĐ-TB&XH không ngừng phát triển, qua đó góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, trong những năm tới, việc triển khai chính sách LĐ-TB&XH sẽ không chỉ là việc giữ vững các thành quả đã đạt được mà còn tiếp tục cải cách, nâng cao hiệu quả công tác để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Tiếp tục lan toả giá trị nhân văn
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ, năm 2025 ngành sẽ tổ chức hiệu quả, nghiêm túc, chất lượng hợp nhất Bộ LĐ-TB&XH với Bộ Nội vụ. Tới cuối tháng 12/2024, 2 bộ đã chuẩn bị tinh thần chặt chẽ, rõ ràng, hiệu quả và nghiêm túc, đến giờ này đề án sáp nhập cũng như các nội dung hợp nhất đã đảm bảo.
Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 13 trường cao đẳng và 3 Trường Đại học Sư phạm chuyển giao cho Bộ GD&ĐT. Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo chuyển về Uỷ ban Dân tộc.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu (Ảnh: T.L). |
Cục Bảo trợ xã hội, Cục Trẻ em, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và 7 đơn vị sự nghiệp khối ngành y, bao gồm 4 bệnh viện và các cơ sở nuôi dưỡng người có công, người tàn tật chuyển về Bộ Y tế.
Còn 35 đầu mối, trong đó 17 cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý nhà nước giúp việc cho Bộ trưởng; toàn bộ lĩnh vực lao động, việc làm và người có công hợp nhất với Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ thêm: “Tinh thần là tất cả công việc của ngành sẽ tiếp tục được triển khai. Công việc không mất đi mà tăng lên. Mô hình tổ chức của chúng ta có thể khác đi một chút”.
Lấy dẫn chứng từ trải nghiệm của bản thân qua các đợt tách tỉnh Hà Nam Ninh thành Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận có nhiều tâm trạng và suy nghĩ.
Ông cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau, nhưng với tư cách là đảng viên và lãnh đạo các đơn vị thì phải lắng nghe và chấp hành. Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngành LĐ-TB&XH luôn ý thức rất sâu sắc trách nhiệm của mình.
Với những thành tựu trong gần 80 năm phát triển của ngành, ông cũng khẳng định, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐ-TB&XH hoàn toàn có quyền tự hào, tự tin để bước tiếp trên chặng đường mới.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/pho-thu-tuong-le-thanh-long-tiep-tuc-lam-tot-hon-cac-chinh-sach-ld-tbxh-209072.html