Làm rõ trách nhiệm, xử lý vướng mắc ở từng cấp
Báo cáo kết quả rà soát, làm việc với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, vướng mắc của các dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai chủ yếu liên quan đến thể chế, quy định pháp luật trong quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị và xây dựng; nguồn vốn tín dụng; phát triển nhà ở xã hội, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…
Phó Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở kết quả kiểm tra, phân nhóm các vướng mắc để xác định các giải pháp tháo gỡ, giải quyết, xác định rõ nguyên nhân do tổ chức thực hiện ở địa phương, hay do bất cập trong các thông tư hướng dẫn, nghị định, luật… Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong “hệ sinh thái” kinh tế: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng tác động đến chuỗi sản xuất như vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng, tác động đến thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động.
Còn theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các vướng mắc do doanh nghiệp, địa phương phản ánh chủ yếu liên quan đến công tác tổ chức thực hiện như dự án có một phần đất công xen kẽ, một số dự án thuộc trường hợp “phân lô, bán nền”, hay vướng mắc liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa đã có hướng dẫn cụ thể nhưng tổ chức thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật…
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành khẩn trương rà soát sửa đổi các thông tư hướng dẫn theo thủ tục rút gọn; đề xuất các vấn đề cần sửa đổi trong các nghị định liên quan theo phương án “một nghị định sửa nhiều nghị định”; tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong quy định luật hiện hành, trường hợp thực hiện sai luật để báo cáo và kiến nghị cấp có cấp thẩm quyền cho ý kiến.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cũng nêu thực tế nhiều dự án bất động sản đang bị vướng mắc, chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư, thực hiện quyền chuyển nhượng đối với các dự án nhà ở, khu đô thị; các dự án xây dựng – chuyển giao (BT) phải tạm dừng sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực… Một trong những nguyên nhân quan trọng là do áp dụng các quy định luật thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, chồng chéo hoặc luật chưa quy định.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, đưa nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào các dự thảo luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… đang trình Quốc hội bảo đảm thống nhất, đồng bộ, sát thực tiễn và đề xuất những điều khoản thi hành có hiệu lực ngay khi dự án luật được Quốc hội thông qua.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương khẩn trương rà soát, tháo gỡ ngay vướng mắc do công tác tổ chức thực hiện chưa đúng quy định pháp luật, hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 này.
Bộ Công an cần rà soát, xác minh, làm rõ những dự án bất động sản vi phạm pháp luật, đang tiến hành điều tra hình sự, liên quan đến tội phạm kinh tế để phân loại, tháo gỡ, không làm ảnh hưởng đến các dự án tuân thủ đúng các quy định pháp luật.
Bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho bất động sản
Báo cáo Phó Thủ tướng về công tác bảo đảm nguồn vốn tín dụng, phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hạ lãi suất điều hành, yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, cho vay tất cả các đối tượng doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản; người mua nhà ở trực tiếp ở mọi phân khúc.
Dựa trên tiêu chí do Bộ Xây dựng hướng dẫn, các địa phương sẽ xác định dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ làm cơ sở để các ngân hàng thương mại thực hiện quy trình cho vay tín dụng ưu đãi.
Ngân hàng Nhà nước cũng chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện giãn, hoãn các khoản vay tín dụng, trong đó có lĩnh vực bất động sản, đến hạn chưa trả nợ được do tác động khách quan của nền kinh tế trên cơ sở bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Xây dựng đưa ra tiêu chí phân loại nhà đầu tư, phân khúc bất động sản để đánh giá rủi ro làm cơ sở ngân hàng thương mại chỉ đạo tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại khi cung cấp các khoản vay tín dụng.
Phó Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ lĩnh vực bất động sản theo Nghị quyết 33, đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.