Chiều 4/8, tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến, trực tiếp với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).
Phó Thủ tướng Chính phủ – Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu: Lữ Văn Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo Bộ KH-ĐT, giai đoạn 2021 – 2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư công hơn 9.700 tỷ đồng cho 12/13 địa phương (TP. Cần Thơ không bố trí ngân sách Trung ương) thuộc vùng ĐBSCL thực hiện các Chương trình MTQG. Về tình hình giải ngân vốn năm 2023, tính đến ngày 31/7, 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%, 2 địa phương giải ngân dưới 15% (Bạc Liêu đạt 13%). Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giải ngân cao nhất với hơn 856 tỷ đồng, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân thấp nhất với hơn 123 tỷ đồng.
Sau hơn 2 năm triển khai các Chương trình, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng ĐBSCL giảm từ 7,61% xuống còn 5,73%; 3/13 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM (Trà Vinh, Bạc Liêu, TP. Cần Thơ)… Qua triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, một số địa phương trong vùng đã có nhiều cách làm hay, sáng kiến về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phù hợp, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến và cơ sở dữ liệu việc làm…
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – Phạm Văn Thiều báo cáo tình hình giải ngân vốn các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, một số địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc. Đơn cử là việc phân bổ vốn sự nghiệp cho một số tỉnh chưa phù hợp do địa phương không có đối tượng hoặc có đối tượng nhưng địa bàn không theo quy định; nguồn vốn phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo còn tư tưởng không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ ưu đãi.
Các địa phương kiến nghị, đề xuất với Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan khẩn trương ban hành hoặc trình ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo sự thống nhất, đồng bộ cho việc triển khai thực hiện các Chương trình của các địa phương ĐBSCL; xem xét điều chỉnh chỉ tiêu giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo phù hợp với thực tế của từng địa phương; đề xuất bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ sau khi xã, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn NTM.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – Phạm Văn Thiều cho biết, công tác giải ngân các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia của Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn. Riêng năm 2023, đến nay, tỉnh đã giải ngân hơn 13 tỷ đồng, chủ yếu là cho Chương trình MTQG xây dựng NTM. Việc chậm giải ngân các nguồn vốn là do các ngành, địa phương trong tỉnh còn lúng túng trong việc thực hiện lồng ghép 3 Chương trình MTQG. Thời gian tới, Bạc Liêu cam kết sẽ nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phấn đấu giải ngân nguồn vốn các Chương trình đạt trên 95%.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu – Lữ Văn Hùng (bên phải) tặng quà lưu niệm cho Phó Thủ tướng Chính phủ – Trần Lưu Quang.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trần Lưu Quang đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương vùng ĐBSCL trong xây dựng NTM, nhất là việc lồng ghép các Chương trình MTQG để tạo ra những thành quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG có nơi còn nhiều khó khăn, bất cập mà nguyên nhân chủ yếu là địa phương chưa thật sự quyết tâm, làm tới nơi tới chốn. Đồng chí Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương vướng ở vấn đề nào thì gửi ngay cho Bộ chủ quản vấn đề đó, đồng thời các Bộ trong thời gian 7 ngày phải có văn bản trả lời cho các địa phương; các Bộ liên quan xây dựng, ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG bằng bảng giấy và file mềm để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, quan điểm và tinh thần của Chính phủ là phân cấp cho các địa phương triển khai thực hiện các Chương trình. Tuy nhiên, các Bộ, ngành Trung ương sẽ phân công cán bộ phụ trách hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Về vốn được phân bổ năm 2023, đồng chí Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương phải sử dụng hết nguồn được giao trong năm nay để tạo động lực thúc đẩy hiệu quả các Chương trình.
Tin, ảnh: H.T – C.L