Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sáng 6.1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, năm 2023 rất khó khăn cả ở trong nước lẫn quốc tế, tích tụ tất cả những khó khăn từ nhiều năm trước và tiếp tục ở mức độ cao hơn.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vi mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng GDP năm 2023 đã đạt 5,05%, thấp hơn kế hoạch nhưng khá cao so với khu vực và trên thế giới; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%; tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 13,7% là con số cũng rất ấn tượng. “Mặt bằng lãi suất đã giảm hơn 2% so với cuối năm 2022, đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây”, ông Dũng nói.
Nhìn nhận các kết quả đạt được có vai trò rất quan trọng của ngành ngân hàng và có sự đóng góp của các ngân hàng nhà nước, trong đó có Vietcombank, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh một số kết quả nổi bật của Vietcombank.
Cụ thể, 2023 là một năm nữa Vietcombank tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng về chất lượng, hiệu quả hoạt động. Quy mô vẫn duy trì ở mức trên 1,8 triệu tỉ đồng tổng tài sản; huy động vốn đạt con số trên 1,4 triệu tỉ đồng, tăng 12%; tín dụng đạt gần 1,3 triệu tỉ đồng, tăng gần 11%.
“Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%. Nếu so với tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước khác, đây là tỷ lệ nợ xấu thấp nhất và có lẽ cũng là tỷ lệ nợ xấu thấp nhất của ngành ngân hàng”, ông Dũng nhìn nhận.
Phó thống đốc cũng đề cập tới khía cạnh quy mô hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Vietcombank là 40.456 tỉ đồng, tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái…
Linh hoạt để tận dụng hiệu quả room tăng trưởng tín dụng
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, nhận định triển vọng kinh tế thế giới 2024 được dự báo “hạ cánh mềm” bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng.
Doanh nghiệp còn quan ngại mở rộng sản xuất, kinh doanh do rủi ro lãi suất còn hiện hữu và căng thẳng địa chính trị tiếp tục xói mòn thương mại quốc tế. Hàng rào bảo hộ hạn chế xuất, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu cũng làm méo mó thương mại quốc tế…
Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 như sau: tổng tài sản tăng ít nhất 8%; tín dụng tăng ít nhất 12% và trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao; nợ xấu dưới 1,5%; lợi nhuận trước thuế tăng ít nhất 10%.
Cùng chung nhận định năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế Việt Nam, ngành ngân hàng nói chung và với Vietcombank nói riêng, Phó thống đốc Phạm Quang Dũng đề nghị những người đại diện vốn và ban lãnh đạo Vietcombank quán triệt, đặc biệt tập trung thực hiện triển khai có hiệu quả các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngoại hối.
Năm nay, ngân hàng được giao hạn mức tín dụng từ rất sớm, ngay từ đầu năm đã được giao hạn mức tín dụng xấp xỉ 16%. Đây là hạn mức tín dụng rất cao so với các ngân hàng trong nước.
Hạn mức tín dụng này được tính theo công thức 3,5 lần nhân với điểm số theo Thông tư 52. Vietcombank đương nhiên có điểm cao nhất trong số các ngân hàng thương mại nhà nước và cũng là một trong những ngân hàng có điểm cao nhất nên tốc độ tăng trưởng tín dụng này là một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất của ngành ngân hàng.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng
“Vì vậy, Vietcombank cần có biện pháp để linh hoạt tận dụng sớm, hiệu quả room tăng trưởng tín dụng đã được giao… Cùng với đó, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, quyết liệt kiểm soát, xử lý nợ xấu”, ông Dũng nói.
Với các kiến nghị của Vietcombank đưa ra tại hội nghị về cơ chế lương và việc tăng vốn điều lệ, ông Dũng dành nhiều thời gian hơn để làm rõ nội dung tăng vốn điều lệ.
Nhấn mạnh đây là yêu cầu cấp thiết, đương nhiên của các ngân hàng thương mại nhà nước để có nguồn lực có thể mở rộng hoạt động và đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị Vietcombank phối hợp với 2 ngân hàng thương mại khác tương đồng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) để đề xuất với Ngân hàng Nhà nước, với Chính phủ, Bộ Tài chính theo một hướng khác, không đề nghị từng lần nữa.
“Hiện nay, chúng ta đã có Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì nên xin một cơ chế về tăng vốn như là cấu phần trong chiến lược này để làm sao mỗi năm không phải đi xin từng lần nữa. Xin từng lần thế này vô cùng mất thời gian, chúng ta, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và Quốc hội đều mất thời gian”, ông Dũng nhấn mạnh.