Giữa trưa, ông Trí (53 tuổi, ngụ TPHCM) không nghỉ ngơi mà vẫn chăm chú nhìn vào màn hình máy tính, kiểm tra hộp thư tin nhắn. Thêm một chút nỗ lực, ông Trí hi vọng có khách liên hệ đặt mua biển hiệu.
Thế nhưng, vẻ mặt ông sớm thất vọng, khi hộp thư vẫn hiện “chưa có thông báo mới”.
Hết sức… “gồng” mặt bằng
Ông Trí là tiểu thương kinh doanh tại khu phố chuyên doanh biển hiệu, trên đường Lương Hữu Khánh (quận 1, TPHCM), được hơn 20 năm. Ông cho biết, đây là giai khó khăn và ế ẩm nhất mà ông từng chứng kiến.
“Có những ngày không có khách nào, hôm có khách thì cũng chỉ lác đác vài người. Từ đầu tháng đến giờ, số lượng khách đặt hàng cũng không được bao nhiêu”, ông Trí rầu rĩ.
Theo đó, nếu so với những năm trước, các tháng cuối năm luôn là thời điểm đắt khách nhất. Bởi nhiều doanh nghiệp, chủ cửa hàng tranh thủ đến đặt biển hiệu để hoàn thành thi công trước Tết; hoặc mua những con dấu, kỷ niệm chương để khen thưởng nhân viên dịp cuối năm.
Tuy nhiên, năm nay mọi thứ lại không như mong đợi mặc dù xưởng sản xuất nơi ông Trí thuê đã lên sẵn “dây cót” làm việc, phục vụ cho thời gian cao điểm này. Theo ông Trí, tình hình kinh doanh khó khăn bắt đầu từ khoảng sau giai đoạn Covid-19.
“Năm nay ai cũng thắt chặt chi tiêu, không ngoại trừ các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng. Khách đến chủ yếu mua các mặt hàng như con dấu, kỷ niệm chương,… với giá vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Còn biển hiệu vài chục triệu thì ngóng hoài không thấy ai mua”, vị tiểu thương bộc bạch.
Ông Trí cho hay doanh thu cửa hàng ông giảm hơn một nửa. Nhưng ông may mắn hơn nhiều tiểu thương khác là vì không phải trả tiền thuê mặt bằng, nên vẫn có thể cầm cự được trong thời gian tới.
Cách đó không xa, ông Thanh Lâm (51 tuổi) buồn bã ngồi nghe nhạc, khi cửa hàng không có ai ghé hỏi mua. Mỗi tháng, cửa hàng ông phải “gồng” hơn 10 triệu đồng tiền mặt bằng, chưa kể các chi phí điện, nước, bảo dưỡng khác.
Khi được hỏi về tình hình kinh doanh các tháng cuối năm, cả ông và vợ đều im lặng, lắc đầu rồi tỏ vẻ ngán ngẩm.
“Đây là khó khăn chung, hầu như cả tuyến đường ai cũng buôn bán chật vật. Doanh thu không đủ để gia đình tôi gồng gánh các chi phí khác nên dự tính hết năm nay sẽ trả mặt bằng, đi nơi khác để bán”, ông Lâm tiếc nuối, nói.
Tiếc thời hoàng kim
Ông Trí, tiểu thương tại đây tỏ ra tiếc nuối khi trước giai đoạn Covid-19, đoạn đường này tấp nập người qua lại, khách hàng đến nườm nượp. Khi ấy, công việc kinh doanh nói riêng và ngành gia công biển hiệu nói chung ngày càng phát triển.
“Công việc này thuộc về lĩnh vực mỹ thuật, người thợ từng gia công bằng tay nên giá thành sản phẩm cao. Từ khi có máy móc, chúng tôi đã trải qua giai đoạn chuyển đổi, sử dụng công nghệ để sản xuất nên sản phẩm cũng mất giá. Giờ đây kinh tế đang khủng hoảng, người dân thắt chặt chi tiêu, các tiểu thương như chúng tôi lại tiếp tục phải đối mặt, cầm cự cho qua giai đoạn này”, ông Trí nói.
Dọc tuyến đường Lương Hữu Khánh, một đoạn đường Nguyễn Trãi và Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh biển hiệu, đồ khen thưởng cũng rơi vào cảnh vắng khách. Thỉnh thoảng, một số cửa hàng có khách ghé qua, nhưng cũng chỉ hỏi giá rồi rời đi.
“Sáng giờ có khách chưa anh?”, phóng viên hỏi.
“Chưa, ế lắm!”, một tiểu thương rầu rĩ, đáp lời.
Phố chuyên doanh biển hiệu trên đoạn đường Lương Hữu Khánh có chiều dài khoảng 170m, tính từ đoạn giao với đường Nguyễn Trãi và Bùi Thị Xuân (quận 1). Năm 1989, đoạn đường này còn là một phần của đường ray bỏ hoang.
Cách đó không xa là đường Phạm Hồng Thái, nơi có nhiều tiểu thương lui tới buôn bán tấp nập, chuyên về gia công biển hiệu. Sau đó, các tiểu thương trên đường này được huy động di dời đến đoạn đường Lương Hữu Khánh để kinh doanh cho đến hiện tại.
Theo Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng 2023 của ngân hàng UOB, 76% số người được khảo sát ở Việt Nam kỳ vọng mình sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào tháng 6 năm sau.
Tuy nhiên, có 3 mối quan tâm tài chính hàng đầu ở Việt Nam là khả năng để dành tiền tiết kiệm (32%), khả năng duy trì lối sống hiện tại (32%) và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ (30%).
Trong đó có những nỗi lo về tài chính khác như khả năng mua các mặt hàng thiết yếu; để dành riêng một khoản đầu tư; thanh toán hóa đơn tiện ích; chi trả cho giáo dục; khả năng mua/thuê nhà,…
Các chuyên gia chỉ ra rằng, người tiêu dùng đang thận trọng hơn với tài chính và việc đầu tư của họ. Có 65% người tiêu dùng đã theo dõi việc chi tiêu và tiền bạc của họ chặt chẽ hơn thông qua nền tảng ngân hàng trực tuyến; 60% đã tìm hiểu thêm về các sản phẩm có ưu đãi, điểm thưởng hoặc tiết kiệm.