Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ sử học tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và trở lại Thái Lan công tác, PGS.TS Thananan Boonwanna đã có những đóng góp tích cực cho lĩnh vực sử học và ngoại giao Việt Nam.
PGS.TS Thananan Boonwanna – nữ giáo viên người Thái, Trưởng Chuyên ngành nghiên cứu các nước lưu vực sông Mekong, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Khỏn Kèn, từng có hơn bốn năm sinh sống và làm nghiên cứu sinh tại Việt Nam.
Chị Thananan Boonwanna nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, |
Tình cảm đặc biệt dành cho đất nước và con người mảnh đất hình chữ S đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị.
Trên cương vị là PGS.TS sử học, chuyên gia về Việt Nam, chị Thananan Boonwanna đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam được giới khoa học Thái Lan đánh giá cao, góp phần truyền bá những quan điểm, chính sách đối nội, đối ngoại cũng như những chủ trương, quan điểm của Việt Nam đối với chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam trên đất Thái.
Trong đó, các công trình tiêu biểu là xuất bản sách “Lịch sử Việt Nam trước năm 1975”, “Nguyễn Cơ Thạch dưới góc nhìn báo chí Thái Lan”.
Chị cũng có các bài báo nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam như: Việt Nam và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Nghiên cứu về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trên tài liệu của Việt Nam; Thực trạng hiểu biết về “Lịch sử quan hệ Việt-Mỹ” trong các luận văn tại Việt Nam; Nguyễn Thị Minh Khai: Nhà cách mạng Việt Nam…
PGS.TS. Thananan Boonwanna ra mắt hai cuốn sách về Việt Nam. |
Ngoài những cống hiến kể trên, với cương vị là Trưởng Chuyên ngành nghiên cứu các nước lưu vực sông Mê Kông, thành viên trong Ban Nghiên cứu của Trung tâm đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu đa dạng văn hoá xã hội khu vực sông Mekong, chị đã âm thầm thúc đẩy các dự án, kế hoạch giảng dạy tiếng Việt, văn hoá và chính trị Việt Nam cho sinh viên Đại học Khỏn Kèn.
PGS.TS Thananan Boonwanna đã thành công đưa môn Việt Nam học vào chương trình giảng dạy của Đại học Khỏn Kèn và hợp tác với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại dây từng bước thúc đẩy thành lập Trung tâm Việt Nam học tại Đại học Khỏn Kèn trong thời gian tới.
PGS.TS Thananan Boonwanna trong trang phục áo dài Việt Nam. |
Khi được hỏi về lý do muốn phổ biến các công trình nghiên cứu về Việt Nam trên đất Thái, chị cho biết: “Tôi nhớ những ngày đầu tiên đến Việt Nam, mọi thứ đều mới mẻ và lạ lẫm. Tuy nhiên, sự thân thiện và hiếu khách của người dân Việt Nam đã làm cho tôi cảm thấy như ở nhà.
Ngay sau khi tốt nghiệp và trở lại Thái Lan, tôi nhận thấy Thái Lan-Việt Nam là hai nước anh em, người Thái gốc Việt có lịch sử lâu đời trên đất Thái nhưng do một số nguyên nhân khách quan mà nhiều người Thái chưa hiểu rõ về lịch sử, văn hoá Việt Nam, cũng như ngày càng có nhiều người Thái gốc Việt không biết nói Tiếng Việt.
Chính điều này đã thôi thúc tôi phải làm thế nào để phát triển ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam trên đất Thái. Tôi muốn cho mọi người biết rằng, có một Việt Nam như thế, thân thiện, hiếu khách và có truyền thống lịch sử lâu đời”.
Đối với PGS.TS Thananan Boonwanna, Việt Nam không chỉ là nơi chị nghiên cứu, học tập mà là quê hương thứ hai khi chồng chị cũng là người Thái nhưng đã và đang làm việc tại Việt Nam hơn 30 năm.
Có lẽ, chính những gì chị trải nghiệm, nghiên cứu tại Việt Nam cũng như những lần đại diện cho các nhà nghiên cứu về Việt Nam trên đất Thái tranh luận trong các hội thảo khoa học để bảo vệ những chủ trương, quan điểm của Việt Nam đã tạo nên tình cảm đặc biệt và những ký ức khó quên của chị đối với Việt Nam.
Nguồn: https://baoquocte.vn/pho-giao-su-tien-si-su-hoc-nguoi-thai-va-tinh-cam-dac-biet-danh-cho-viet-nam-279264.html