Vài năm trở lại đây, phố đi bộ ở các đô thị ngày càng thu hút khách du lịch. Quảng Ninh cũng đang có nhiều phố đi bộ, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch. Nhưng về lâu dài, theo các chuyên gia du lịch cần phát triển không gian đi bộ theo hướng mỗi nơi mang đặc trưng riêng gắn với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, trưng bày.
Phố đi bộ được hiểu đơn giản là con phố hoàn toàn dành cho việc đi bộ cả ở lòng đường và vỉa hè, không có phương tiện cơ giới lưu thông. Cũng có thể một khu vực có nhiều phố đi bộ nối liền về không gian và liên kết với nhau về chức năng, nhằm tăng cường thêm không gian văn hóa – kinh tế, tăng thêm cơ hội hưởng thụ lợi ích vật chất, tinh thần cho cộng đồng.
Ở Việt Nam, những tuyến phố đi bộ đầu tiên được triển khai và đạt được những thành công ban đầu là phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ tại phố cổ Hội An năm 2004 và phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) năm 2015, khu vực Hồ Gươm (Hà Nội) năm 2016. Được đầu tư quy củ, nhiều điểm mới lạ, lại ở những đô thị lớn nhất nước, không gian này sớm thu hút một lượng lớn du khách và dần trở thành điểm đến, sản phẩm du lịch thu hút khách.
“Phố đi bộ vừa là nơi tận hưởng theo kiểu sống chậm, lại vừa tạo cho du khách cảm nhận, góc nhìn mới về điểm đến, thu hút nhiều đoàn khách lữ hành. Đây còn là điểm có thể giữ chân du khách” – ông Đoàn Mạnh Linh, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch đánh giá.
Theo xu hướng này, Quảng Ninh ban đầu cũng hình thành và phát triển nhiều tuyến phố đi bộ khá đặc sắc và thành công. Tiêu biểu là phố đi bộ Tiên Yên (thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên) bởi những nét đặc trưng và nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn. Hoạt động từ tháng 8/2017, phố là không gian ở hai dãy phố Lý Thường Kiệt và Hoà Bình (thị trấn Tiên Yên), gồm các không gian mang đặc trưng văn hoá dân gian, chợ, ẩm thực… toát lên chủ đề “Hồn xưa, nét cũ Tiên Yên phố”.
Nét riêng, thú vị ở phố đi bộ Tiên Yên là sự pha trộn giữa kiến trúc của người Hoa và người Pháp. Những ngôi nhà xưa cũ hai tầng, mái ngói âm dương, tường gạch hòa trong không gian yên bình, thu hút du khách. Vào cuối tuần, phố đi bộ Tiên Yên có các hoạt động văn hóa văn nghệ sôi động như ca nhạc đường phố, nhảy dân vũ; triển lãm tranh, ảnh, sách, báo; hoạt động vui chơi cho trẻ nhỏ; ẩm thực…
Cùng với Tiên Yên, các địa phương như Hải Hà, Móng Cái… cũng hình thành các tuyến phố đi bộ mang nét riêng biệt. Với phố đi bộ thị trấn Quảng Hà có điểm nhấn là hành trình dạo phố dài chừng 1km, dọc con sông Hà Cối thơ mộng. Với Móng Cái, phố đi bộ dài 2km gắn với rất nhiều những địa điểm mua sắm sầm uất trên tuyến phố phường Trần Phú và Hòa Lạc cùng không gian ẩm thực đặc sản của Móng Cái và Trung Quốc.
Để phát huy tiềm năng du lịch, theo các chuyên gia, điều chúng ta nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó. Đặc biệt là mỗi tuyến phố đi bộ phải có được những giá trị, đặc sắc riêng.
Theo xu hướng này, mới đây (tháng 3/2023) là sự ra đời của hai tuyến phố đi bộ ở xã đảo Minh Châu và Quan Lạn (huyện Vân Đồn). Với chiều dài hơn 500m, dọc các tuyến phố chính, các tuyến phố này sẽ làm nhộn nhịp, thêm các dịch vụ, ẩm thực biển đảo, các điểm check-in… cho du khách tới đảo. Với huyện đảo Cô Tô, tuyến phố đi bộ ở trung tâm thị trấn đang được huyện quan tâm, nâng cấp bằng cách đa dạng hóa dịch vụ. Tại Đông Triều có phố đi bộ sư Tuệ (thị trấn Đông Triều) nhắc lại lịch sử, cách mạng hào hùng. Tại thành phố Hạ Long, phố đi bộ chùa Long Tiên lấy không gian xưa cũ, núi Bài Thơ, chùa Long Tiên làm điểm nhấn…
Có thể thấy, trong vài năm trở lại đây, các tuyến phố đi bộ hình thành ở các đô thị, các thành phố du lịch của tỉnh, đang tạo thêm không gian thưởng thức về văn hóa, hình thành nên sản phẩm du lịch để du khách thêm lựa chọn. Tuy nhiên, để triển khai thành công, để phố đi bộ trở thành “nam châm” thu hút du khách lại cần sự quan tâm làm mới, đầu tư, có nét riêng, đặc trưng từng địa phương, thay vì chỉ “copy”, nhân rộng, dễ khiến du khách lãng quên.