Phố đi bộ sẽ mở cửa vào ba đêm cuối tuần với nhiều hoạt động văn hóa, giải trí. Nhiều người dân và du khách cảm thấy thú vị với sáng kiến của Đà Lạt nhưng cũng không ít người lo ngại những gian hàng đặc sản, chuyện bán mua sẽ làm mất đi giá trị của không gian đi bộ thư nhàn có giá trị bậc nhất ở cao nguyên.
Phố đi bộ hồ Xuân Hương Đà Lạt (đường Trần Quốc Toản) có thể xem là thơ mộng bậc nhất với không gian một bên là đồi Cù, một bên là mặt nước danh thắng quốc gia hồ Xuân Hương.
Tại tuyến phố đi bộ này, Đà Lạt sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao gồm biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các nhóm nhạc, các hoạt động chế tác tranh, ảnh nghệ thuật, mỹ nghệ.
Ngoài ra, tuyến phố sẽ có phiên chợ giới thiệu đặc sản Đà Lạt. Hiện nay, ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn 10 gian hàng là các xe lưu động. Khi tuyến phố khai trương, các xe này sẽ được hoạt động.
Việc có chợ phiên giới thiệu đặc sản đã khiến xuất hiện nhiều ý kiến góp ý với ban tổ chức. Các ý kiến đều cho rằng Đà Lạt thận trọng hoặc không nên mua bán, giới thiệu đặc sản trong tuyến phố đi bộ lãng mạn trong lòng danh thắng.
Ông Võ Anh Tần, nguyên phó tổng giám đốc Dalattourist, phân tích: “Đà Lạt đang thiếu không gian công cộng cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Thiếu không gian đi bộ đúng nghĩa ở nội ô Đà Lạt chứ không thiếu nơi bán, giới thiệu đặc sản.
Do đó, nếu đưa thêm các gian hàng đặc sản vào phố đi bộ không chỉ làm lộn xộn không gian mà còn làm mất ý nghĩa thực sự con đường đi bộ dọc danh thắng”.
Ông Tần phân tích thêm phố đi bộ sắp mở nối chợ Đà Lạt (có mở ban đêm với hàng nghìn gian hàng các loại) và khu chợ đêm ăn uống ở bãi xe Vườn hoa TP. Về công năng đã quá dư thừa chuyện mua sắm, ăn uống. Phố đi bộ Trần Quốc Toản nên dành nhiều không gian chăm sóc tâm hồn người dân và du khách”.
Ở góc độ kinh tế, ông Tần nói thêm có lẽ ban tổ chức muốn có vài gian hàng để có doanh thu trang trải chi phí vận hành tuyến phố đi bộ. Điều này không sai nhưng sẽ không đúng nếu tính toán ở phạm vi lớn hơn.
Tuyến phố đi bộ sẽ làm tăng giá trị không gian hồ Xuân Hương về đêm. Du khách sẽ đến chơi đông hơn và sử dụng dịch vụ ở nội ô Đà Lạt nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa Đà Lạt sẽ có doanh thu nhiều hơn.
Và không cần những gian hàng tổ chức tạm bợ, Đà Lạt cũng có nhiều tiền để vun đắp cho tuyến phố đi bộ sinh động hơn. Nói về doanh thu bán hàng ở hai đầu đường Trần Quốc Toản, chắc chắn 10 gian hàng mà ban tổ chức sắp xếp sẽ không so sánh được.
Phải nghĩ khác về trục di sản
PGS.TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên (Trường đại học Nguyễn Tất Thành) góp ý đường vòng hồ Xuân Hương là một trục di sản, vì vậy việc thí điểm cần ưu tiên bảo tồn cảnh quan.
Ở các thủ đô châu Âu như Paris (Pháp), Amsterdam (Hà Lan) hay Brussels (Bỉ), phố đi bộ thường tách biệt khu ẩm thực là khu di sản.
Điều này giúp bảo tồn di sản, phát triển đô thị văn minh và thu lợi nhuận cao cho TP. Nếu phải làm các gian hàng, hãy đánh giá kỹ các yếu tố thẩm mỹ, văn hóa nếu không sẽ làm tuyến đường thư nhàn dọc hồ Xuân Hương trở nên lộn xộn.
Bài học này có thể thấy ở bất kỳ phố đi bộ nào ở nhiều tỉnh thành và TP.HCM. Và gần ngay trước mắt là chợ đêm Đà Lạt.
Nguồn: https://tuoitre.vn/pho-di-bo-o-da-lat-khong-nen-ban-buon-trong-long-danh-thang-20240606075710114.htm