Kinhtedothi – Đại biểu HĐND TP chất vấn, đề nghị lãnh đạo UBND TP làm rõ nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy, sớm triển khai hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) của TP.
Ngày 11/12, HĐND TP chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về việc thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Hà Nội có chỉ tiêu phát triển từ 2-5 khu công nghiệp
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Duy Chính (tổ quận Hoàng Mai) nêu, TP đã có chủ trương về xây dựng và phát triển các KCN và cụm công nghiệp nhưng vẫn còn chậm, đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP làm rõ nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy triển khai sớm, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư lấp đầy các KCN của TP?
Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong thời gian từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ TP đã có nghị quyết, trong đó có chỉ tiêu phát triển từ 2-5 KCN. Từ đó đến nay, Hà Nội đã triển khai quyết liệt, trình Chính phủ, bộ, ngành và đến nay đã được phê duyệt 4 cụm công nghiệp và 1 KCN Bắc Từ Liêm đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định. TP đang phối hợp với Bộ cố gắng phê duyệt KCN Bắc Từ Liêm trong quý 1/2025.
“Như vậy so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa XVII đề ra, TP Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu ở mức cao nhất” – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, quá trình triển khai thực hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, liên quan đến lựa chọn chủ đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng… Chủ tịch UBND TP đã có nhiều chỉ đạo thúc đẩy tháo gỡ khó khăn; đến thời điểm này, cơ bản các vướng mắc đã được tháo gỡ…
Liên quan đến vấn đề này, điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐNP TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, các KCN, cụm công nghiệp rất được quan tâm, TP tạo cơ chế tháo gỡ khó khăn về nhưng nếu năng lực nhà đầu tư kém, các sở, ngành phải đề xuất xử lý, không thể để dự án kéo dài gây lãng phí.
Gỡ vướng trong lĩnh vực thương mại dịch vụ
Tham gia chất vấn, đại biểu Hồ Vân Nga (tổ quận Hai Bà Trưng) cho biết, HĐND TP đã có Nghị quyết đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thương mại dịch vụ lớn, để tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế Thủ đô, nhưng đến nay, các công trình được nêu trong Nghị quyết đều vướng mắc trong triển khai, như Trung tâm logistic; cảng cạn tại Cổ Bi, Đức Thượng và Trung tâm khai thác vận chuyển phía Bắc Mê Linh.
Đại biểu đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết nguyên nhân chậm trễ, có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước hay không và UBND TP có các giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án này.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã đưa vào hoạt động 1 Trung tâm Logistic, 5 trung tâm thương mại và phát triển 30 siêu thị, 205 cửa hàng tiện ích, 110 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP; đưa vào hoạt động 7 chợ và đang hoàn thành thủ tục để đưa vào khai thác 5 chợ. Đồng thời, đã bổ sung danh mục 2 dự án để đưa vào kế hoạch đầu tư chợ đầu mối Gia Lâm và Mê Linh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, Hà Nội đã nhìn thấy những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ nếu chậm và thiếu về hệ thống Logistic của Thủ đô, chợ đầu mối quy mô lớn, các khu mua sắm tập trung…, TP đã tập trung chỉ đạo đưa vào danh mục kêu gọi chợ đầu mối Yên Thường, Gia Lâm có quy mô 125ha, nếu đầu tư được sẽ đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho Thủ đô và xuất khẩu. Đồng thời có cơ chế chính sách về thuế, tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo xây mới các khu chợ dân sinh để loại bỏ chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn TP, hình thành hệ thống thương mại, dịch vụ đồng bộ.
Đối với khu mua sắm tập trung, TP đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành và huyện Đông Anh để bố trí quỹ đất khoảng hơn 30ha, cách sân bay khoảng 7km, với định hướng tập trung các khu bán hàng với sản phẩm chất lượng cao để thu hút nguồn ngoại tệ. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, đây là nội dung đã đưa vào danh mục để kêu gọi đầu tư.
Về một số nội dung liên quan đến cảng cạn Kim Hoa (huyện Mê Linh) đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng; cảng cạn ICD (Mỹ Đình) đến nay cơ bản hoàn thành, đang đôn đốc để đưa vào sử dụng. Còn Cảng cạn Cổ Bi (huyện Gia Lâm) do năng lực của chủ đầu tư hạn chế, nên vừa qua, TP đã rà soát, đôn đốc chủ đầu tư cam kết sẽ tập trung trong thời gian tới.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/pho-chu-tich-ubnd-tp-trao-doi-ve-giai-phap-lap-day-cac-khu-cong-nghiep-tai-ha-noi.html