Ngày 2/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với 10 huyện, Thành phố triển khai nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì.
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 đợt thiên tai (2 đợt rét đậm, rét hại diện rộng; 16 đợt mưa lớn, lốc, sét, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá) gây thiệt hại về người, nhà ở, tài sản và một số công trình hạ tầng cơ sở, làm 8 người chết, 2 người bị thương, 382 nhà bị thiệt hại; 1.399 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hỏng, gãy, đổ; các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan bị sạt lở… với tổng trị giá thiệt hại trên 96 tỷ đồng. Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời bằng các hình thức phù hợp; thực tốt phương châm “4 tại chỗ” huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra sét đánh làm 1 người chết,1 người bị thương; nắng nóng, hạn hán làm 2.011 hộ/10.643 nhân khẩu tại các xã vùng cao Lục Khu (Hà Quảng) bị thiếu nước sinh hoạt; 8.837 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng hạn hán; lốc, mưa đá gây thiệt hại đến nhiều nhà ở, hoa màu, công trình hạ tầng của Nhà nước và nhân dân, giá trị thiệt hại gần 7 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn nhận định, thời gian tới, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự đoán (giông, lốc, sét, mưa lớn xảy ra cục bộ; nắng nóng gay gắt kèm theo thiếu hụt lượng mưa), các loại hình thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, đá, cháy rừng, hạn hán diện rộng khả năng xảy ra tần suất cao và khốc liệt.
Các sở, ngành, địa phương báo cáo tham luận về công tác khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bài học kinh nghiệm trên địa bàn huyện Bảo Lạc, Hà Quảng; công tác kiện toàn, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của đội xung kích PCTT và tìm kiếm cứu nạn cấp xã trên địa bàn huyện Hòa An… Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh sớm triển khai thực hiện các dự án cấp nước tại Lục Khu (Hà Quảng); cấp kinh phí mua phương tiện, vật tư chống hạn; quan tâm hỗ trợ bố trí vốn để thực hiện công tác PCTT; hỗ trợ các địa phương bị tốc mái khôi phục nhà cửa cần có cơ chế, chính sách phù hợp…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo đề nghị các cấp, sở, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương; tiếp tục rà soát kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp; xác định công tác PCTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực xã hội trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Lồng ghép kế hoạch PCTT với các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của ngành, địa phương…
Xây dựng củng cố, đào tạo, tập huấn, diễn tập đảm bảo năng lực ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Nâng cao năng lực chất lượng cảnh báo, dự báo; năng lực cứu hộ, cứu nạn, xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Hoàn thành xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; bố trí sử dụng nguồn lực của địa phương, ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư, nâng cấp hạ tầng PCTT; hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở an toàn. Ưu tiên nguồn vốn tập trung xử lý sự cố các dự án, công trình PCTT trọng điểm xung yếu trước mùa mưa bão. Làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để xây dựng ý thức của người dân và làm tốt công tác phối hợp, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong công tác PCTT. Quản lý hiệu quả Quỹ PCTT; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy, điều hành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh thiên tai ngày một cực đoan, khó lường…
Tiến Mạnh