Đến dự có ông Lý Trung Đông– Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo Hội LHPN tỉnh, đến nay, các cấp Hội xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo như vận động/kết nối hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm, duy trì và nâng chất các mô hình giúp nhau, mô hình tiết kiệm hiệu quả…, qua đó có 475/188 hộ thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều (359 hộ thoát nghèo, 116 thoát cận nghèo).
Hội LHPN tỉnh tổ chức cuộc thi “Phụ nữ Tây Ninh sáng tạo khởi nghiệp” năm 2023, với 86 ý tưởng tham gia. Hội LHPN tỉnh tiến hành sơ loại các dự án và xây dựng kế hoạch tập huấn hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh doanh cho các thí sinh; hoàn thành việc xét chọn 5 dự án/ ý tưởng tiêu biểu, lập hồ sơ tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp – Phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Trung ương Hội tổ chức theo quy định.
6 tháng đầu năm, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ bằng nhiều hình thức; vận động trên 600 chị khá giúp 445 chị khó khăn số tiền 1,51 tỷ đồng; hỗ trợ vốn cho 185 chị khởi sự kinh doanh với số tiền trên 1 tỷ đồng; phối hợp Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT xét cho 38.497 chị vay vốn với tổng số tiền 1.457 triệu đồng.
Về công tác uỷ thác, tính đến ngày 31.5.2023, tổng dư nợ vốn uỷ thác qua Ngân hàng CSXH của Hội LHPN tỉnh là 1.102 tỷ đồng/34.960 hộ vay, tăng 32 tỷ đồng so với năm 2022. Đối với Ngân hàng NN&PTNT, tính đến 30.4.2023, đã có 3.584 hộ là hội viên vay, với dư nợ cho vay là 368,673 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ cho vay qua tổ.
Kết luận buổi làm việc, bà Trần Lan Phương– Phó Chủ tịch Trung ương Hội đề nghị Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiện hai khâu đột phá do Trung ương Hội phát động: thứ nhất là nâng cao đổi mới toàn diện hoạt động của Hội LHPN các cấp, chuyên nghiệp hoá hơn, ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn; thứ hai là tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của hội cơ sở, đây cũng là chủ đề năm 2023.
Bà cũng đề nghị Hội LHPN tỉnh cần chủ động tham mưu với lãnh đạo tỉnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai sâu rộng, thu hút được các ý tưởng của các chị em trong thực hiện chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Liên quan đến Quyết định 01 do Thủ tướng Chính phủ giao Hội LHPN Việt Nam làm cơ quan chủ trì thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, bà Trần Lan Phương nhấn mạnh, Đề án này của UBND tỉnh thực hiện và Hội LHPN tỉnh sẽ chủ động tham mưu và có nhiệm vụ kết nối các sở ngành tỉnh.
“Ngoài việc phát hiện các ý tưởng chị em, khuyến khích các chị em cùng thành lập các HTX, chúng ta cần xây dựng những mô hình kinh tế HTX gắn với sản xuất ra những sản phẩm OCOP do phụ nữ thực hiện, để kết nối chuỗi ngành nghề truyền thống, phát huy tài nguyên bản địa.
Từ đó, chúng ta kết nối với các ngân hàng về nguồn vốn vay, kết nối với Liên minh HTX hỗ trợ thực hiện, kết nối với quỹ của Sở Khoa học Công nghệ quản lý để đưa đổi mới sáng tạo vào ứng dụng khoa học công nghệ và kết nối thị trường đầu ra… tất cả đều được hướng dẫn, Hội LHPN tỉnh cần chủ động lập kế hoạch tham mưu với UBND tỉnh” – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nói.
Bên cạnh đó, bà Trần Lan Phương cũng lưu ý Hội LHPN tỉnh cần có tiếng nói với các địa phương mà dư nợ dành cho các tổ vay vốn tiết kiệm của phụ nữ còn thấp… để nâng cao tỷ trọng dư nợ, tạo điều kiện để chị em phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Trước đó, ngày 8.6, Đoàn công tác của Trung ương Hội cũng đã có buổi làm việc tại Hội LHPN huyện Dương Minh Châu và đến thăm tổ trưởng các tổ vay vốn tiết kiệm, các hộ vay vốn của ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNT trên địa bàn huyện Gò Dầu và Dương Minh Châu.
Ngọc Diêu