Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.
Báo cáo về dự thảo Kế hoạch Giám sát chuyên đề cho thấy, đến thời điểm này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tập hợp, tài liệu liên quan đến nội dung của chuyên đề giám sát. Tham mưu xây dựng dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết, Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Đoàn ĐBQH, của đối tượng chịu sự giám sát và Đề cương báo cáo của các cơ quan, đơn vị có liên quan…
Đối với dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hoá giai đoạn 2025 – 2035, đến nay, cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo cơ bản nhất trí với bố cục, các nội dung chính của dự thảo Nghị quyết. Song vẫn còn một số nội dung mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu, tiếp thu như: về kinh phí thực hiện Chương trình cần phân định rõ nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn sự nghiệp, khung nguồn lực để thực hiện. Về danh mục dự án đầu tư, cần bổ sung các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công theo hướng đây là danh mục dự kiến, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Trên cơ sở đó, Quốc hội có căn cứ để quyết định tổng mức vốn đầu tư phát triển cho Chương trình. Đồng thời, chỉnh sửa mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Chương trình bảo đảm tính bao quát, sát thực, khả thi hơn…
Về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ngay sau Kỳ họp thứ Bảy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để thống nhất việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và các nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36.
Về cơ bản, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, gồm 9 chương, 101 điều, giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ Bảy.
Thông tin về dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý liên quan đến: tên gọi và phạm vi điều chỉnh; sở hữu di sản văn hóa; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di tích, kiểm di sản tư liệu; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Thường trực Ủy ban Xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong việc triển khai các nội dung công việc được giao.
Đối với Kế hoạch Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Kế hoạch. Song đề nghị cần mở rộng đối tượng giám sát là các trường dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, các trường đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo và sử dụng nhân lực trong lĩnh vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cân nhắc yếu tố vùng, miền khi tổ chức làm việc tại cơ sở. Từ đó, có đánh giá toàn diện hơn về lĩnh vực đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong Đề cương giám sát cần đánh giá rõ thực trạng nguồn nhân lực; cần toát lên trọng tâm giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhưng cũng cần đề cập đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để bảo đảm tính logic, bao quát, toàn diện của hoạt động giám sát.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-thanh-lam-viec-voi-thuong-truc-uy-ban-van-hoa-giao-duc-i383621/