Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cán bộ, chuyên viên Vụ Tư pháp, Thư ký Phó Chủ tịch Quốc hội.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, trách nhiệm tại tổ và hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với 161 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó có 119 ý kiến phát biểu tại Tổ; 17 ý kiến phát biểu, 14 ý kiến tranh luận tại Hội trường, 11 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản sau phiên họp).
Theo đó, đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, cho rằng, dự thảo Luật phù hợp, đáp ứng yêu cầu về tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị và cải cách tư pháp, phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn; đã quán triệt tinh thần và thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận nhiều về phạm vi điều chỉnh, về nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; tổ chức bộ máy của các Tòa án; các nội dung về Thẩm phán Tòa án nhân dân…
Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến một số cơ quan, tổ chức liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn; tổ chức các cuộc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.
Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân liên quan đến tổ chức và hoạt động của một số cơ quan như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, liên quan đến nhiều quy định của luật khác, trong đó có luật tổ chức của các cơ quan và các luật tố tụng.
Do đó, Thường trực Ủy ban xác định một số nguyên tắc làm cơ sở của việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý của các đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý hợp lý của các cơ quan, tổ chức; nghiên cứu để đưa vào dự thảo Luật những nội dung đã chín, đã rõ được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao.
Cơ bản tán thành với các nguyên tắc trong tiếp thu, giải trình dự án Luật của Thường trực Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh yêu cầu tất cả các ý kiến đại biểu Quốc hội phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ; ý kiến nào không tiếp thu phải có giải trình thuyết phục.
Tại cuộc làm việc, Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng đã có báo cáo, trao đổi về các nội dung cụ thể của dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp, trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại cuộc làm việc, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, nêu vấn đề đích đáng, giải quyết vấn đề một cách triệt để, lập luận chặt chẽ để hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, phải thể hiện rõ quan điểm của Thường trực Ủy ban đối với mỗi nội dung và có kiến nghị cụ thể đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan để cùng trao đổi, làm rõ, đi đến thống nhất, đồng thuận cao đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau.
Cũng tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã nghe báo cáo về việc thẩm tra Tờ trình của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao về giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân. Đây là nội dung sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tại phiên họp thứ 30 (tháng 2.2024) tới.
Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng đã có báo cáo tiến độ của dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng và việc triển khai các nhiệm vụ được giao theo chương trình công tác của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.