Chiều 21/2, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Tổ giúp việc, xem xét tình hình, tiến độ triển khai hoạt động của Đoàn giám sát.
Thời gian qua, bám sát tiến độ đề ra theo kế hoạch của Đoàn giám sát, Tổ giúp việc tập hợp báo cáo của các địa phương, phân công thành viên phụ trách nội dung cụ thể phục vụ việc tổng hợp báo cáo kết quả; đôn đốc các địa phương, đơn vị gửi báo cáo theo đề cương của Đoàn giám sát; dự kiến kế hoạch làm việc cụ thể tại các địa phương…
Đến ngày 21/2, Đoàn giám sát đã nhận được báo cáo của 57/63 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố; 6/16 bộ, cơ quan liên quan. Tuy nhiên, một số bộ, cơ quan, địa phương chưa hoàn tất các báo cáo gửi tới Đoàn giám sát.
Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ làm việc trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố; tổ chức làm việc với 12 bộ, cơ quan.
Tại buổi làm việc, các đại biểu, thành viên Đoàn giám sát cho ý kiến về thành phần tham gia Đoàn giám sát, tiến độ, nội dung giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát, công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong, sau hoạt động giám sát…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Tổ giúp việc trong việc chủ trì tham mưu, triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát.
Cơ bản thống nhất về tiến độ, kế hoạch giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tổ chức đoàn công tác tại các địa phương cần tiếp tục kế thừa những kết quả của các đoàn giám sát trước; chú trọng tính hiệu quả, thực chất, tuân thủ đúng quy định, tránh hình thức, gây phiền hà cho địa phương, cơ sở.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đối tượng, nội dung giám sát cần bảo đảm hiệu quả, chất lượng và trọng tâm, trọng điểm. Các đoàn công tác tại các địa phương tập trung vào hai vấn đề chính: Khảo sát thực tế đối với một số dự án quan trọng quốc gia, dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43; trực tiếp nghe địa phương báo cáo về nội dung giám sát theo đề cương, đi sâu vào những vấn đề vướng mắc, khó khăn của địa phương từ đó có tổng hợp, kiến nghị sát thực tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc bảo đảm chất lượng, tiến độ báo cáo của các cơ quan gửi tới Đoàn giám sát. Người đứng đầu các bộ, ngành phải có trách nhiệm báo cáo Đoàn giám sát, trừ trường hợp bất khả kháng.
Tổ giúp việc nghiên cứu, rà soát các báo cáo nhận được, phân công cụ thể cho từng thành viên Đoàn giám sát chủ động nghiên cứu, cho ý kiến về các báo cáo theo lĩnh vực chuyên môn, gửi báo cáo cho lãnh đạo Đoàn giám sát bằng văn bản, trong đó nhận xét rõ và đánh giá chất lượng các báo cáo, biểu dương những nơi làm tốt, chỉ rõ nơi làm chưa tốt, báo cáo chưa đầy đủ. Các báo cáo nếu không đảm bảo, cần sớm có văn bản đôn đốc, đề nghị cơ quan báo cáo bổ sung theo đúng yêu cầu…/.