Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện tại quá thấp so với mức sống người dân và đề nghị Chính phủ sớm sửa Luật thuế thu nhập cá nhân.
Quan điểm này được bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội, ngày 25/5. Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 15,4 triệu (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu) duy trì từ tháng 7/2020.
Bà Mai cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh này không còn phù hợp với biến động liên tục mặt bằng giá, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.
Hiện hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên, trong khi thu nhập của họ không tăng, thậm chí giảm.
“Với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản”, bà Mai nói.
Mặt khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích, về bản chất thuế thu nhập cá nhân là công cụ giúp điều tiết vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội qua điều tiết giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những đối tượng thu nhập thấp hơn.
Tuy nhiên, quy định 7 bậc thuế hiện nay chưa đảm bảo phù hợp thực tế. “Việc giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp kê khai, thu nộp và quản lý thuế dễ dàng hơn. Điều chỉnh số bậc thuế thì việc giãn khoảng cách thu nhập giữa các bậc sẽ đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập”, bà đề nghị.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan này đang rà soát để sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Ông cho hay, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Quốc hội quyết định, nhiệm kỳ này Chính phủ sẽ trình sửa 6 luật về thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng tác động, giai tầng xã hội việc sửa luật phù hợp thực tế thu nhập người dân, tạo động lực phát triển”, ông Phớc nói với VnExpress.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị đẩy sớm việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người nộp thuế. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng tổng cầu suy giảm, sức mua yếu, trong khi mức giảm trừ gia cảnh chậm được xem xét sửa đổi. “Bản thân người có thu nhập bị trừ thuế đang phải gồng gánh nhiều khoản chi phí, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự suy giảm từ hai năm đại dịch, đến nay kinh tế tăng trưởng chậm lại”, ông Ngân nói.
Theo ông, nợ công của Việt Nam đang giảm, năm 2022 khoảng 38% GDP và thấp hơn nhiều mức trần Quốc hội cho phép (55% GDP), nên có dư địa ngân sách để tính đến việc tăng mức giảm trừ gia cảnh.
Cách xác định giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc hiện nay là lấy 40% mức giảm trừ gia cảnh của chính người nộp thuế. Tỷ lệ này bị chê là quá thấp. Ông Ngân nói mức tăng giảm trừ gia cảnh là bao nhiêu cần được các cơ quan ngồi lại tính toán. Song việc nhanh chóng điều chỉnh mức này để phù hợp thu nhập người dân, hỗ trợ người nộp thuế.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách cũng nói cần tăng mức giảm trừ người phụ thuộc (con cái, bố mẹ), hiện là 4,4 triệu đồng một tháng.
Cùng đó, nhà chức trách cần rà soát để thay đổi cơ cấu bậc tính thuế, hiện là 7 bậc với bậc thấp nhất là 5 triệu đồng, thuế suất 5% và cao nhất 80 triệu đồng chịu thuế 35%. Thay đổi cơ cấu bậc thuế, ông Cường nói, sẽ đảm bảo tăng nguồn thu, khuyến khích các đối tượng thu nhập cao đóng thuế khi sửa luật này.