“Con tôi xưa học dốt, giờ sướng lắm”
Mỗi lần về quê, trong câu chuyện ân tình hỏi thăm nhau của bà con anh em xóm làng, thỉnh thoảng tôi lại được nghe những câu chuyện đại loại như một ông bố nào đó đi dép lào tới nhà tôi uống nước chè xanh và chủ yếu để kể cho hàng xóm biết con mình thành đạt cỡ nào.
“Thằng con tôi hồi xưa học dốt, nhưng nay nó sướng lắm. Đi xuất khẩu lao động ở bên kia tháng gửi về hơn trăm triệu. Mà công việc bên đó cũng chẳng làm gì vất vả mấy, cứ làm trong nhà kính quanh năm”.
Rồi câu chuyện cứ tiếp diễn khi một người hàng xóm kể về con cái của họ hạnh phúc viên mãn. Rằng cô con gái thứ 3 của họ lấy chồng, chồng cũng nghèo khó nhưng chịu khó làm ăn nên làm chủ được một đầu nậu gỗ ở Tây Nguyên. Tết nào về, cô cũng biếu cha mẹ 20 – 30 triệu đồng tiêu Tết. Về quê mỗi lần đều có tài xế riêng, oai nhất làng.
Mẹ tôi vốn là một người nông dân mới học hết lớp 3. Từ xưa tới giờ bà cũng ít quan tâm tới chuyện ai có ai hơn mà mục tiêu chỉ nuôi con làm sao học hành, đi ra xã hội rồi làm việc “nhà nước”.
Nhưng khi cuộc sống biến đổi nhanh, con cái bà làm công ăn lương loẹt quoẹt ba xu ba đồng như thế, trong khi những người nuôi con không cần học tới đại học vẫn xây nhà lầu, sắm xe hơi, nên có lúc bà cũng tủi.
Những lúc như vậy, tôi lại nằm bên mẹ và thủ thỉ để bà hiểu. Tôi nói rằng mỗi người có một số phận, một phúc lẫn nghiệp. Con mẹ giờ nghèo nhưng mẹ cũng vui.
Còn nếu đi xuất khẩu lao động thì có đồng tiền nhanh, nhưng cũng khổ cực, làm đồng tiền cho người chủ ở xứ người không dễ như cha mẹ ở quê kể. Có chăng là do con cái sợ cha mẹ lo nên nói ra cảnh sung sướng vậy, chứ cũng cơ cực lắm. Mẹ tôi nghe cũng xuôi lòng.
Ra sức khoe cho người nghe trầm trồ
Trở về lại thành phố, tôi thấy có những người trẻ, thậm chí rất nhiều người tôi quen biết rơi vào ngưỡng tuổi lẽ ra phải ý nhị, từ tốn thì lại suốt ngày khoe khoang ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt là trên Facebook.
Họ khoe bất cứ thứ gì, miễn là để người khác phải trầm trồ.
Tôi dị ứng nhất là chuyện khoe ô tô, khoe ở villa, khoe rượu, xì gà, điện thoại… Đó chỉ là vật chất. Thế hệ trước để lại cho người lớp sau bài học về ứng xử, là trí tuệ, là những phát minh, là những nền văn minh, sách vở. Rượu, xe, điện thoại là đồ tiêu dùng, tiền có thể mua được. Nhưng văn hóa, ứng xử thì phải có thời gian để học, tu thân răn dưỡng mình.
Tôi không đánh đồng tất cả, nhưng tôi nhận thấy có rất nhiều người trên Facebook lại trái ngược đời thực. Nếu trên mạng, họ là hình mẫu của thành đạt, hạnh phúc thì bên ngoài đời lại trái ngược. Vợ chồng hục hặc nhau, chồng hoặc vợ thiếu chung thủy, không gắn kết với gia đình.
Tâm lý con người thiếu gì thì thường tìm tới cái đó hoặc che đậy và muốn người khác nhìn tốt về mình. Tuy nhiên việc chọn cách “khoe, phô diễn” chắc chắn sẽ có nhiều người thấy khó chịu.
Không phải người ta ích kỷ đâu. Họ thấy không có bổ ích gì khi xem những hình ảnh ngọt ngào đó. Chuyện gia đình anh, mắc gì anh khoe phô ra cho thiên hạ. Khoe khoang nghĩa là muốn nhận những lời khen, tán thưởng mà thôi.
Khen không mất gì của ai, nhưng phải khen và thấy thứ cũ lặp đi lặp lại hằng ngày thì trở thành phản tác dụng. Và vô tình, người thích khoe khoang đã tự tạo hiềm tị và ganh ghét cho chính mình.
Bạn nghĩ sao về việc khoe niềm vui, hạnh phúc trên mạng xã hội? Theo bạn, có nên giữ niềm hạnh phúc cho riêng mình và người thân? Mời bạn chia sẻ quan điểm về hòm mail [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.